Giới thiệu tiêu chuẩn năng lực nghề giúp việc gia đình

Mục đích của hội thảo nhằm giới thiệu, chia sẻ tiêu chuẩn năng lực nghề giúp việc gia đình tới người lao động, người sử dụng lao động, các cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý và toàn xã hội.

Ngày 25/9/2015, tại Nhà khách Văn phòng Quốc hội, số 02 Hoàng Cầu, Hà Nội, Trung  tâm  Nghiên  cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD) tổ chức Hội thảo “Giới thiệu Tiêu chuẩn Năng lực nghề Giúp việc gia đình”. Mục đích của Hội thảo nhằm giới thiệu, chia sẻ Tiêu chuẩn năng lực nghề giúp việc gia đình tới người lao động, người sử dụng lao động, các cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý và toàn xã hội. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Bảo vệ quyền của Lao động Giúp việc gia đình tại Việt  Nam”, do Oxfam tài  trợ, được thực hiện từ tháng 10/2010 – 10/2015.

Sau hơn một năm thực hiện, Trung  tâm  Nghiên  cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng  cùng nhóm chuyên gia phương pháp thuộc Viện nghiên cứu Khoa học Dạy nghề - Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đã hoàn thiện Tiêu chuẩn nghề dựa trên kết quả khảo sát, phân tích thông tin về công việc giúp việc gia đình tại Hà Nội, Nam Định, Khánh Hòa và Tp. Hồ Chí Minh, với 400 phiếu được phát ra cho các đối tượng liên quan đến lao động giúp việc gia đình. Đồng thời, Tiêu chuẩn này có sự tham khảo từ bộ Tiêu chuẩn Kỹ năng nghề giúp việc gia đình khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Lao động quốc tế ILO ban hành và Chương trình trung cấp đào tạo nghề Dịch vụ gia đình của Tổng cục Dạy nghề năm 2014.

Theo đó, nghề giúp việc gia đình được mô tả là một nghề làm các việc nhà, không liên quan đến hoạt động thương mại, bao gồm 07 nhóm đơn vị năng lực là: (1) năng lực cơ  bản: (2) chế biến món ăn - đồ uống; (3) lau dọn nhà - sân vườn; (4) giặt - là; (5) chăm sóc trẻ sơ sinh - trẻ nhỏ; (6) chăm sóc người cao tuổi - người bệnh; và (7) chăm sóc vật nuôi - cây cảnh thông thường trong gia đình. Các nhóm này được phân chia thành 21 đơn vị, với 80 thành phần, nhiệm vụ cụ thể trong công việc gia đình.

Nhận định về tiến trình xây dựng Tiêu chuẩn này, TS.Nguyễn Quang Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề cho biết: “Việc xây dựng các tiêu chuẩn ở nước ta gặp rất nhiều khó khăn, bởi giúp việc gia đình là nghề thuộc nhóm phi chính thức, với sự khác biệt về vùng miền và văn hóa của người lao động. Bởi vậy, nhóm nghiên cứu phải được thực hiện hết sức thận trọng và phải đối chiếu, so sánh với tiêu chuẩn của nhiều nước trên thế giới. Về cơ bản chúng ta áp dụng các tiêu chuẩn của tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tuy nhiên cũng  phải tính đến các đặc thù của Việt Nam, để Bộ tiêu chuẩn phù hợp với trình độ, năng lực của người lao động trong nước”.

Thông tin này có hữu ích đối với bạn không? Có (0) Không (0)

Bình luận (0)

Loading...

Bài viết tương tự

Đối tác của chúng tôi