Báo cáo rà soát pháp luật, chính sách, nghiên cứu quốc tế và việt nam liên quan đến lao động giúp việc gia đình

Giúp việc gia đình là một công việc xuất hiện rất sớm trong quá trình phát triển xã hội và mang lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động nữ trên thế giới.

Giúp việc gia đình là một công việc xuất hiện rất sớm trong quá trình phát triển xã hội và mang lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động nữ trên thế giới. Cùng với xu thế toàn cầu hóa, chuyên môn hóa, công việc chăm sóc tại nhà, bao gồm chăm sóc trẻ em, dọn dẹp, lau chùi đồ đạc, đến chăm lo từng bữa ăn, trang trí nhà cửa, v.v… trở nên vô cùng quan trọng.

Nhu cầu đối với công việc này đã tăng nhanh trong hai thập kỷ gần đây, tính đến năm 2010 trên thế giới có 52,6 lao động giúp việc gia đình (LĐGVGĐ), tăng 19 triệu lao động từ giữa thập kỷ 90 đến năm 2010[1]. Những người LĐGVGĐ đã chiếm một tỷ trọng đáng kể trong lực lượng lao động, đặc biệt ở các nước đang phát triển và có xu hướng gia tăng thậm chí ở cả những nước công nghiệp hiện đại.

Tuy nhiên, trong thị trường lao động, GVGĐ vẫn bị đánh giá thấp và ít được pháp luật lao động chung đề cập đến. GVGĐ bị coi là lao động không cần có kỹ năng vì những định kiến giới thường gắn công việc này với thiên chức của phụ nữ được cho là phù hợp với khả năng của họ. Ngay cả khi được trả công, mức tiền công của những người LĐGVGĐ thường bị định giá thấp và thiếu những quy định rõ ràng trong việc xác định tiền công của họ.

Công ước số 189 về “Việc làm bền vững cho lao động giúp việc gia đình” đã được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thông qua ngày 16 tháng 6 năm 2011 tại Hội nghị thường niên lần thứ 100. Đây là một sự kiện lịch sử đối với LĐGVGĐ trên thế giới vì công ước này là khung pháp lý quốc tế đầu tiên về tiêu chuẩn lao động nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích tại nơi làm việc cũng như cải thiện các điều kiện làm việc cho LĐGVGĐ.

Ở Việt Nam, nhu cầu đối với LĐGVGĐ đang ngày càng gia tăng và loại hình lao động này mang đặc trưng giới rõ ràng[2]. Vì vậy trong nỗ lực sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quyền bình đẳng về cơ hội và đối xử trong việc làm và nghề nghiệp cho cả phụ nữ và nam giới, quan hệ lao động này đã được đề cập trong Chương XI, Mục 5[3] từ Điều 179 đến Điều 183 quy định về Lao động là người GVGĐ. Đây là một bước tiến tích cực trong việc xây dựng khung pháp lý về GVGĐ cũng như từng bước đưa GVGĐ trở thành một nghề trong thị trường lao động. Tuy nhiên, các điều khoản này vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, chi tiết. Để các quy định này thực sự đi vào cuộc sống và được thực hiện một cách hiệu quả, cần phải có các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện, như Nghị định, Thông tư.

Tháng 10 năm 2012, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD) với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Oxfam Novib xây dựng và triển khai dự án “Bảo vệ quyền của người lao động GVGĐ tại Việt Nam” với mục tiêu chính là bảo vệ quyền của LĐGVGĐ thông qua tham vấn xây dựng chính sách và tạo điều kiện hỗ trợ cho việc thực hiện chính sách. Việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách và các tài liệu nghiên cứu liên quan tới LĐGVGĐ cũng như tham khảo kinh nghiệm thực tiễn về quản lý LĐGVGĐ ở các quốc gia trong khu vực và trên thế giới nằm trong khuôn khổ những hoạt động liên quan tới vận động chính sách về LĐGVGĐ. Báo cáo này là kết quả của việc rà soát với mục đích tổng hợp những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý điều hành cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong mối quan hệ LĐGVGĐ từ các nghiên cứu và mô hình thực tiễn về GVGĐ ở một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là trong khu vực ASEAN. Báo cáo cũng đề xuất những khuyến nghị về chính sách cho LĐGVGĐ tại Việt Nam, nhằm góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như nâng cao vị thế, vai trò của loại hình lao động này.

[1] ILO, Domestic workers across the world: Global and regional statistics and the extend of  legal protection, 2013

[2] MOLISA và ILO, Việc làm bền vững đối với lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam. Nhà xuất bản Lao động - Xã hội. Hà Nội 2012.

[3] Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2012

Tải Báo cáo rà soát pháp luật, chính sách, nghiên cứu quốc tế và Việt Nam liên quan đến Lao động giúp việc gia đình tại đây:

Báo cáo tiếng Việt:

 BC rà soát PL CS về LĐGVGĐ

Báo cáo tiếng Anh:

 
Thông tin này có hữu ích đối với bạn không? Có (0) Không (0)

Bình luận (0)

Loading...

Bài viết tương tự

Đối tác của chúng tôi