Thuyết nữ quyền: giải thích nguồn gốc bất bình đẳng giới (p2)

Một số vấn đề lịch sử và quan niệm - eleanor leacock (1922 - 1987)  

NGUỒN GỐC CỦA HỆ THỐNG CẤP BẬC XÃ HỘI

Hai nhóm quan hệ được Marx và Engels coi là then chốt cho sự xuất hiện của hiện tượng bóc lột là: thứ nhất, sự mất quyền kiểm soát đối với quá trình sản xuất (tức là sản xuất, trao đổi, phân phối và tiêu thụ) qua sự phân công lao động vượt khỏi sự phân công theo giới tính; thứ hai là sự hình thành các cặp quan hệ[1] về sự phụ thuộc trong các gia đình cá nhân khi sự phân đôi tư nhân/công cộng được phát triển trong đời sống kinh tế và chính trị, làm cho gia đình trở thành các đơn vị kinh tế độc lập chứ không phải là các bộ phận của tập thể các nhóm công xã. Sự phát triển cơ bản của lịch sử được phân tích tỉ mỉ trong phần mở đầu bộ Tư bản của Marx và nội dung cốt lõi trong việc nghiên cứu lại giả thuyết tiến hóa Morgan của Engels trong Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước là sự chuyển đổi từ sản xuất cho tiêu dùng sang sản xuất cho trao đổi. Sự hình thành của sản xuất cho trao đổi có nghĩa là giá trị, với tính cách là thuộc tính của hàng hóa, bắt đầu thay thế tiêu dùng, với tính cách là đặc trưng của xã hội nguyên thủy. Với tính cách là kết quả của “lao động trừu tượng”, thời gian lao động được biểu hiện trong vật có khả năng trao đổi, trở nên độc lập với lao động cụ thể, sự phát triển rốt cuộc lại tạo lợi thế cho những người thực hiện trao đổi có thể điều tiết và bóc lột sức sản xuất của người khác. Cuối cùng, tiền tệ được phát triển trong các hình thức khác nhau với tính cách là vật mang giá chung, với tính cách là hàng hóa thuần túy. Marx nhấn mạnh rằng hình thức tiền tệ thừa nhận sự phi lý của bái vật qua đó các quan hệ của người biểu hiện ra như là các quan hệ của vật; do đó, cơ cấu bóc lột đã được thần bí hóa và sự tồn tại những khác biệt về giai cấp được hợp lý hóa.[2]

Trong Tiến hóa của xã hội chính trị, Freid nêu ra câu hỏi tại sao người ta chấp nhận sự kiểm soát của người khác đối với sản phẩm lao động của họ và thừa nhận tình trạng mất tính độc lập của mình.[3] Cho dù câu trả lời như thế nào chăng nữa, Fied nói, người ta cũng đã không nhận thấy tầm quan trọng của những biến đổi mà họ gây ra. Quả thật, khi đó họ không thông qua trao đổi và phân công lao động, người ta chỉ đơn giản là nâng cao đời sống của mình và mở rộng các quan hệ mật thiết liên nhóm và liên cá nhân, do đó mà tỏ ra vô can trong các quá trình đang vận động. Như Engels viết: “một hoạt động xã hội, một loạt các quá trình xã hội . . . càng có vẻ là vấn đề ngẫu nhiên thuần túy thì những quy luật riêng, cố hữu của chúng càng tự xác định trong tính ngẫu nhiên ấy.” Sản xuất hàng hóa và phân công lao động đi cùng với nó một cách chậm chạp nhưng chắc chắn dẫn đến sự phân hóa giai cấp; chúng tạo thành “các lực lượng xa lạ vô hình . . . vượt quá tầm kiểm soát tự giác của con người.”[4]

Cơ chế hàng đổi hàng giản đơn không tách người sản xuất ra khỏi việc quản lý trao đổi và phân phối. Tuy nhiên, khi cơ chế hàng đổi hàng trở nên quan trọng, nó đi đến sự mâu thuẫn giữa những lợi ích vật chất do sản xuất cho trao đổi được chuyên môn hóa và cơ cấu của toàn bộ chủ nghĩa bình quân tạo ra. Freid cho rằng sự nảy sinh của hoạt động tái sản xuất có vai trò quan trọng đối với sự hình thành địa vị xã hội, hình thức phân hóa xã hội đầu tiên. Tầm quan trọng của tái phân phối trở nên nổi bật và làm tâm điểm cho sự hình thành nền sản xuất hàng hóa với mọi hậu quả của nó. Hàng hóa được sản xuất cho trao đổi chứ không phải cho tiêu dùng tạo ra các nhóm tư bản mới. Trong thời gian dài, các quan hệ bình đẳng ngăn các cá nhân ở những vị trí then chốt trong mạng lưới trao đổi tái phân phối khai thác các khả năng kinh tế của địa vị của họ. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa các quan hệ bình đẳng sâu sắc thêm và, trong cái được gọi là xã hội giai cấp, người ta bắt đầu chấp nhận các vị trí phụ thuộc trong quan hệ với “các trưởng lão” và những người lãnh đạo khác để trục lợi từ những của bố thí gắn chặt với họ. Cuối cùng, sự chiếm hữu không bình đẳng giữa hay trong những dòng họ được tổ chức đủ sức cạnh tranh được hình thành, và sự mâu thuẫn, một mặt, giữa phân phối công bằng và tiêu thụ, mặt khác, giữa tiềm lực có được do trao đổi và sự nâng cao chuyên môn hóa lao động được giải quyết một phần. Nhưng những mâu thuẫn mới đã kết tinh giữa các tiềm lực do các quan hệ kinh tế ngày càng mở rộng và các hình thái xã hội thích ứng với thân tộc tự trị và các nhóm làng xã, lần lượt được giải quyết qua sự phân tầng xã hội và tổ chức chính trị cùng với những xung đột quen thuộc của các xã hội giai cấp.[5]

Cùng với các phát triển nói trên, sự xuất hiện của phân đôi khu vực công/tư và sự hình thành các cặp quan hệ phụ thuộc trong nội bộ gia đình, với tính cách là các đơn vị kinh tế, là yếu tố cấu thành thứ hai của chế độ bóc lột và phân tầng xã hội. Trái lại, Lévi-Strauss thừa nhận là trong các xã hội bình đẳng, phụ nữ không phải là thứ để đàn ông mang đi trao đổi, mà thay vào đó, họ trao đổi hàng hóa với nam giới và giao phối giống với nam giới. Sự trao đổi trực tiếp giữa hai giới nam và nữ, ví dụ như trao đổi hàng lấy hàng một cách lẻ tẻ, không tách họ ra khỏi nền sản xuất riêng của mình. Thay vào đó, sự tha hóa phát triển theo quá trình phát triển của chế độ trao đổi khi các cá nhân lợi dụng gia đình huyết thống và gia đình mở rộng để tranh chấp giành lấy các quyền thống trị đối với nền sản xuất và phân phối các hàng hóa có giá trị. Các trách nhiệm đối với việc tiếp thị và trao đổi của giới thay đổi tùy theo những hoàn cảnh khác nhau và các lịch sử khác nhau đã thực hiện sự phân công lao động theo giới tính như thế nào, và vị trí trong cơ cấu ra quyết định của phụ nữ cũng theo đó biến đổi ra sao. Thế nhưng vẫn còn vấn đề là về đại thể khi trật tự đẳng cấp xã hội bắt đầu xóa bỏ các quyền bình đẳng của con người thì tại sao quyền tự trị và uy thế của phụ nữ, với tính cách là một giới tính, bị đe dọa chứ không phải là quyền tự trị và uy thế của đàn ông? Ngoài những lập luận khác nhau về tính ưu việt của nam giới, người ta cũng thường cho rằng những hạn chế tự nhiên của sự sinh nở và cho con bú là những hạn chế cơ bản. Thế nhưng, trong các xã hội bình đẳng, những hạn chế này không phải là những rào cản đối với phụ nữ.* Trên cơ sở học thuyết duy vật biện chứng như trình bày ở trên, tôi cho rằng vai trò quan trọng của khả năng sinh nở của phụ nữ thay đổi khi họ thiết lập các quan hệ mới trong quá trình không chỉ sản xuất ra những con người với tính cách là những cá nhân mà còn sản xuất ra cái đang trở thành lao động “trừu tượng”, tức là sản xuất ra cái lao động có khả năng bị bóc lột. Do đó, nguồn gốc của hệ thống cấp bậc giới là trùng khít với nguồn gốc của bóc lột và phân tầng xã hội.[6]

Engels đã vạch ra một sự đối lập rõ nét giữa vị trí của phụ nữ ở thị tộc Iroquois và vị trí của phụ nữ trong các xã hội gia trưởng ở Trung Đông và Địa Trung Hải thời Trung đại, nơi mà sự kiểm soát giới tính phụ nữ được đặc biệt coi trọng đối với việc thừa kế địa vị và tài sản. Theo ông, gia đình như là một đơn vị kinh tế có tầm quan trọng quyết định trong nội bộ giai cấp trên mặc dù nó đã phổ biến trong xã hội. Vào giữa thế kỷ 20, trường phái nữ quyền Mácxít bổ sung vào sự phổ biến toàn xã hội ấy của gia đình một chiều kích mới. Sự phụ thuộc của phụ nữ trong nội bộ gia đình với tính cách là một đơn vị kinh tế cho phép giai cấp trên có thể bóc lột hơn nữa giá trị thặng dư của những người công nhân, những người nông nô và những người nô lệ. Sự thật là công việc nội trợ có thể tách khỏi khu vực công, và có thể phụ nữ với tính cách là người được nam giới bảo trợ phải gánh vác công việc đó để đảm bảo cho người thuộc giai cấp trên sự tái sản xuất và sinh hoạt của người công nhân thông qua lao động không được trả công, nói khác đi là lao động nô lệ. Điều này không có nghĩa là sự sắp đặt đã được cân nhắc kỹ càng từ trước và bất kỳ sự phát triển mang tính lịch sử chủ yếu nào khác trong quá khứ cũng vậy. Tuy nhiên, trong những ghi chép về tình trạng ngày càng giảm sút về các quyền pháp lý và xã hội của phụ nữ trong thời Cổ đại Hy-La còn lưu lại dấu vết một số giải pháp theo đó sự phụ thuộc trong gia đình của phụ nữ được củng cố thêm bởi sự thừa nhận của xã hội và được chuẩn y về tư tưởng khi những ưu thế kinh tế của nó được thực hiện.[7]

Dù sao đi nữa thì tất cả những thứ ấy sẽ tồn tại đến chừng nào tình trạng phụ thuộc của phụ nữ bước vào giai đoạn chung cuộc. Phần lớn các xã hội mà khoa nhân loại học đang nghiên cứu đều trải qua những điểm giai đoạn sơ khởi nhất, tại những thời điểm đó quyền tự trị của phụ nữ bắt đầu bị đe dọa và một sự đố kị nào đó giữa nam và nữ bắt đầu xuất hiện nhưng không hề hạ thấp phụ nữ, về pháp lý và chính trị, xuống thân phận kẻ được bảo trợ như trong giai đoạn xã hội có sự phân hóa toàn bộ. Tôi cho rằng trong các xã hội như vậy, cơ cấu giới cần phải được giải thích: cơ cấu của trao đổi và phân công lao động; cơ cấu đẳng cấp và địa vị mà một vài bộ phận của xã hội có được để kiểm soát lao động của xã hội; cơ cấu thân tộc và sự mở rộng để các dòng họ trở thành các phường hội cạnh tranh, chứ không phải là phương tiện tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm, trong các làng công xã; cái địa vị mà với nó hạnh phúc của nhóm người này không chỉ là tương đối mà còn gây tai hại cho các nhóm người khác trong xã hội; và từ đó, xét cơ cấu hôn nhân cho việc kiểm soát con cái với tính cách là những người lao động có thể bị bóc lột hay với tính cách là những người bóc lột lao động.[8]

Trong cái gọi là xã hội giai cấp, người phụ nữ bắt đầu chuyển từ vị trí là người tạo ra giá trị, là những người thiết lập các mạng lưới quan hệ trao đổi và có quyền sử dụng những cơ chế được công bố một cách công khai để điều hòa lợi ích của phụ nữ, sang vị trí người phục dịch trong gia đình nhà chồng hay trong các nhóm thân tộc của họ. Của hồi môn của cô dâu bắt đầu mang lấy hình thức mua con cái do người phụ nữ ấy đẻ ra chứ không phải hình thức trao đổi quà tặng. Sacks đã tiến hành khảo sát mối quan hệ của những diễn biến như thế dẫn đến việc xuất hiện sự chênh lệch địa vị ở những người phụ nữ cũng như sự chênh lệch địa vị giữa đàn ông và đàn bà. Bà chứng minh rằng lợi ích của việc tách vị thế người vợ ra khỏi vị thế người chị em của phụ nữ là để thấy rõ phạm vi thực hiện quyền lực công khai của mình qua hoạt động điều khiển các quan hệ họ hàng trong các xã hội đang dần hình thành sự phân tầng kinh tế và hệ thống cấp bậc giới. Sanday nhấn mạnh sự thật là phụ nữ có thể bảo vệ và duy trì tốt quyền lực công cộng của họ trong những hoàn cảnh phân tầng xã hội, một sự thật được chứng thực qua khối dữ liệu khổng lồ về các xã hội châu Mỹ và được giả định qua trường hợp thị tộc Crete cổ. Tất cả, tâm điểm của các diễn tiến nói trên và những nét đặc thù của quá trình mở rộng của chúng trong những điều kiện môi trường, văn hóa, lịch sử khác nhau, đều cho thấy rằng những thay đổi về địa vị nữ giới không phải là hiện tượng thứ yếu, như một số người ngầm hiểu, cũng không phải là cái có trước so với hệ thống cấp bậc kinh tế, như một số người quan niệm. Chúng là phần cốt lõi, không thể tách rời của những chuyển biến sâu sắc đang diễn ra cùng với sự phát triển trao đổi và phân công lao động.

Tình trạng phụ thuộc về kinh tế và xã hội của phụ nữ xuất hiện ở một vài nơi trên thế giới cách đây hàng ngàn năm, nó cũng diễn ra ở những nơi khác trên thế giới vào lúc người châu Âu tiến hành khai thác và chinh phục và nó cũng phát triển ở những nơi còn lại trong bối cảnh chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Ở đây, tôi cho rằng để giải thích quá trình phát triển này một cách đúng đắn thì cần phải: một là làm sáng tỏ khái niệm chủ nghĩa cộng sản nguyên thủy, gạt bỏ các luận điểm máy móc cho rằng tình trạng phụ thuộc của nữ giới là một hiện tượng tự nhiên chứ không phải là một hiện tượng lịch sử, và hai là phải nghiên cứu kỹ càng một xã hội trong bối cảnh lịch sử đặc thù của nó, tiền thuộc địa hay là hậu thuộc địa. Còn bây giờ tôi quay trở lại luận điểm thứ hai.

BỐI CẢNH LỊCH SỬ CỦA PHÂN TÍCH NHÂN LOẠI HỌC

Con người thật sự mà các nhà nhân loại học đương đại nghiên cứu không phải là những người săn bắt-hái lượm hay những người làm vườn hay bất kỳ những người nào khác có quyền tự trị. Bằng cách này hay cách khác, các quan hệ tư bản chủ nghĩa cũng đã ảnh hưởng họ cả một thời gian dài. Dù bản chất cụ thể của quá trình một dân tộc dính líu đến chủ nghĩa tư bản như thế nào chăng nữa thì chiều hướng thay đổi cuối cùng cũng đều cùng chung một kết quả: cá nhân hóa và tha hóa lao động, cá thể hóa gia đình hạt nhân và việc hạ thấp phụ nữ xuống thành lao động không công trong gia đình và lao động xã hội với tính cách là lực lượng lao động không ổn định và không được trả lương thỏa đáng. Con người không còn khả năng kiểm soát các quá trình và các sản phẩm lao động của họ và bản thân sức lao động của họ ngày càng bị biến thành một thứ hàng hóa có thể mua bán nếu không muốn nói toạc ra là chiếm đoạt. Trách nhiệm chăm lo thế hệ mới chuyển dần từ các dòng họ hay nhóm lớn sang các gia đình cá thể. Bị lý tưởng hóa từ những bài truyền giáo về tình yêu thương chăm sóc chồng con cho nên, trên thực tế, lao động trong gia đình của phụ nữ trở thành món quà tặng cho các chủ đồn điền hay chủ hầm mỏ, cho nhà sản xuất hay cho doanh nhân vơ vét lợi nhuận từ lao động của những ông chồng và của những đứa con, rồi mua thêm sức lao động của họ với giá rẻ mạt.[9]

Các chi tiết lẻ tẻ như lao động ở đồn điền và các giao dịch thương mại thường bị bỏ qua khi các dữ kiện về cái được gọi là các xã hội truyền thống được hệ thống hóa và được đóng lên các thẻ IBM để so sánh đối chiếu văn hóa.[10] Không có gì làm lạ khi một nghiên cứu phân tích gần đây kết luận rằng không hề có các mối tương quan nhất quán giữa vị trí của phụ nữ trong xã hội. Nhưng cũng may là công việc tái thiết, về khảo cổ và lịch sử tộc người, các lịch sử văn hóa tiền thuộc địa và văn hóa thuộc địa đang tiến triển nhanh và có thể sẽ làm sáng tỏ các trường hợp còn nghi vấn mà ở đó hình như mối quan hệ giữa sự phụ thuộc của nữ giới với tình trạng bất bình đẳng về kinh tế là rất ít.[11]

Tôi cũng có đối chiếu với tình hình ở Bắc Mỹ (phía bắc Mêhicô), là khu vực rộng lớn nhất thế giới có nhiều dân tộc bình đẳng cư ngụ cùng lúc với sự bành trướng của phương Tây. Chế độ đẳng cấp được thiết lập ở các vùng ven biển, nhất là dọc theo vịnh Mêhicô và phía bắc Thái Bình Dương, thế nhưng tuyệt đại đa số các thổ dân Bắc Mỹ vẫn duy trì các cơ cấu kinh tế-xã hội bình đẳng. Người Iroquois chính là ví dụ tốt nhất về tình hình bình đẳng giới chung cho Bắc Mỹ; và ngược với quan điểm của Lévi-Strauss, người Iroquois không phải là trường hợp ngoại lệ. Thay vào đó, họ có thể là một ví dụ làm tư liệu rất tốt về mối quan hệ kinh tế và chính trị đi cùng với chế độ mẫu quyền dòng họ-mẫu quyền địa phương ở những người làm vườn ở Bắc Mỹ. Ở các dân tộc săn bắt-hái lượm thì người Inuit (Eskimo) được người ta thường xuyên dẫn ra làm ví dụ cho tình trạng đối xử phụ nữ một cách thô bạo của nam giới trong một xã hội bình đẳng khác, tình hình ấy hình như cũng tương tự như những gì chúng ta biết về tình trạng phụ thuộc của phụ nữ ở người Chipewyan. Song các bản báo cáo mô tả tộc người về tính độc lập và tinh thần quyết đoán của phụ nữ ở người Inuit chỉ ra rằng phân tích lịch sử tộc người, đã lỗi thời từ lâu, sẽ cho thấy cái bản tính ngược đãi của nam giới hiện nay là xuất phát từ sự băng hoại đạo đức và tình trạng nát rượu của họ mà nhiều cộng đồng người Inuit phải chịu đựng. Vì đối với trường hợp người Chipewayn, người ta chỉ dựa vào một bản báo cáo về những người môi giới trong lĩnh vực kinh doanh lông thú, là “kíp” những người công nhân tận tụy hiếm có được chọn làm trong công ty Hudson’s Bay, chứ không phải là về những người hoạt động săn bắt tự do của bộ tộc Chipewayn. Đặc điểm các quan hệ được trình bày trong đó rõ ràng là trái ngược với các ghi chép của người Do Thái thế kỷ 17 về sự bình đẳng trong các quan hệ giới ở người Montagnais-Naskapi.

AUSTRALIA

Thổ dân Australia cung cấp khá nhiều cơ sở cho các luận điểm rằng sự thống trị của nam giới là một hiện tượng tâm lý xã hội phổ biến và là một hiện tượng tâm sinh lý phổ biến chứ không phải là một sự phát triển của lịch sử. Quyền kiểm soát hôn sự của nữ giới, quyền truyền kế đất đai, cư trú theo chồng, thô bạo với phụ nữ, không cho phụ nữ tham dự các nghi lễ quan trọng trong một xã hội chưa có giai cấp… tất cả các quyền ấy của nam giới tạo thành một hệ thống có tính chất áp đặt và người ta cứ thế mà cứ ghi đi chép lại. Để cho chắc chắn, các dữ liệu bổ sung cho những gì được khái quát ấy bắt đầu tự khẳng định. Trong vấn đề hôn sự, những người lớn tuổi, cả nam lẫn nữ, đều cùng nhau bàn bạc, trong khi đó, nam nữ thanh niên lại ít khi tham gia ý kiến. Khi các cô gái lần đầu tiên kết hôn, nhìn chung, đều lấy những người đàn ông lớn tuổi, và các chàng trai cũng thế, họ thường lấy những người phụ nữ lớn tuổi hơn. Người phụ nữ nào cũng có cây gậy không những dùng để tự vệ mà còn dùng để đối phó với những hành vi bất chính của bọn đàn ông; họ không bị đàn ông uy hiếp. Thêm vào đó, nếu bị đánh oan, một người phụ nữ sẽ phản ứng một cách đơn giản là bỏ đi, hoặc vào khu vực dành riêng của mình trong lều, khu vực này đàn ông không được phép đặt chân vào. Phụ nữ có vai trò quan trọng trong một số nghi lễ của nam giới và đồng thời họ cũng tỏ ra bàng quan với các nghi lễ mà họ không được tham dự, họ chỉ hứng thú với các nghi lễ riêng của họ, mà những nghi lễ này thì đàn ông không được tham gia. Tindale đã chỉ ra rằng ở người Pitjandara, sống vùng phía tây Australia, phụ nữ gọi các nghi thức dành riêng cho nam giới là một thứ hạn hẹp khi họ thấy mình đang đi quá xa vì cái ăn, họ muốn rời trại. Bell làm việc ở một khu thuộc Bắc Trung bộ Australia, ở nơi đó “công việc duy trì luật lệ và trật tự … vẫn còn là sự hợp tác giữa nam và nữ, và những người này thường hỗ trợ lẫn nhau trong một số vấn đề, còn trong những vấn đề còn lại, họ lại khẳng định các quyền độc lập của mình.

Tuy nhiên, trong khi các dữ kiện nói trên quy định bức tranh về sự thống trị của nam giới mà người ta gán cho những người săn bắt-hái lượm Australia thì cái bối cảnh lịch sử của xã hội của người bản địa trong thế kỷ 20 phải được nghiên cứu nếu như bức tranh ấy tỏ ra mâu thuẫn trong chỉnh thể. Trước hết và quan trọng hơn hết, nếu không đánh giá các tác động của tội diệt chủng tàn bạo mà người dân bản địa phải gánh chịu là đi ngược lại tinh thần khoa học và trái với đạo lý con người. Sự tàn bạo đối với người bản địa Australia bắt đầu từ những vụ tấn công đầu tiên của người Malays vào xứ này cho đến những cuộc khai thác lẻ tẻ của người châu Âu và sự thiết lập khu lưu đày tội phạm vào năm 1788, mà ngày nay khu ấy được biết dưới tên là Sydney; qua việc lấn chiếm dần dần đất đai của người bản địa và cùng với nó là sự bắn giết, đầu độc, đánh đập, nô dịch cộng thêm những căn bệnh chết người; rồi tiếp đó là các định chế thô bạo về chính sách và các định chế phân biệt chủng tộc hiện nay. Người ta không thể nói về tình trạng ngược đãi phụ nữ của nam giới như thể nó tách rời với kiểu bạo lực nơi biên giới, ở nơi đó tình trạng băng hoại đạo đức ngày càng thêm trầm trọng do ảnh hưởng của tệ nạn rượu chè.

Thứ hai, không thể biện hộ, và cũng không nên biện hộ cho phân tích các quyền sở hữu đất đai ở Australia mà không xét đến tác động của việc cưỡng bức di dân ra khỏi các khu vực ven biển và của áp lực của hậu quả đất đai ở những vùng đất sâu trong lục địa mà đông đảo những người thổ dân trốn chạy tới đó. Vài cuộc gặp gỡ ban đầu giữa người châu Âu và người bản địa diễn ra một cách hữu nghị, nhưng những người châu Âu hở một tý là đụng tới súng, và có vẻ như đôi khi người bản địa đánh trả lại bằng hành động có mục đích rõ ràng là coi kẻ thù của mình là một thứ lương thực. Do đó, một khi nhận thấy rằng thật sự không có vàng hay những thứ của cải dễ khai thác khác trên đất đai của thổ dân thì hầu hết những người khai thác đầu tiên đến từ châu Âu đều sẵn sàng bỏ mặc Australia. Tiếp đến là sự kiện du nhập giống cừu Merino vào New South Wales năm 1797, và sau đó, năm 1813, phát hiện ra những cánh đồng cỏ mênh mông ở phía tây dãy Blue Moutains, tất cả các sự kiện ấy biến Australia thành nơi sản xuất len dạ lớn nhất thế giới. Cứ thế mà phát triển. Vùng đất trù phú phía đông nam, nơi có khoảng 400 đến 600 người thường tập trung lại để tổ chức thành xã hội vào những mùa nhất định, sống dựa vào hải sản và các loại tôm tép, chẳng mấy chốc số dân bản địa đã bị giảm. Số thì bị giết hại, số thì di chuyển về phía tây, và số ít ỏi còn lại gia nhập vào cộng đồng người da trắng bằng con đường hôn nhân. Những người chăn nuôi gia súc cũng đổ dồn về phía tây, nô dịch thổ dân, buộc thổ dân làm việc, và nếu họ phản kháng thì dùng vũ lực mà đàn áp. Khi bị dồn về phía tây và dồn sâu vào lục địa, cách xa các trung tâm đang mở rộng các khu định cư của người da trắng. Cũng như các thổ dân châu Mỹ, các thổ dân Australia cần nhiều thời gian để xây dựng nên một cộng đồng có bản sắc chung, có lịch sử chung và cùng nhau đấu tranh. Dĩ nhiên là những người Australia da trắng lợi dụng và khắc sâu thêm mối bất hòa giữa những người thổ dân, tán dương các nhóm “chủ hòa” và dùng các nhóm ấy nô dịch và thống trị các nhóm thổ dân khác.

Daisy Bates, hơn bốn mươi năm sống trong một căn lều biệt lập ở nam Australia và thường lên tiếng cảnh báo về số phận các thổ dân nơi đây, đã ghi chép lại tình trạng băng hoại đạo đức ở những người thổ dân lưu vong còn sót lại. Mặc dù bản báo cáo của bà còn có giọng điệu kẻ cả và nhiều sai lầm nhưng nhiều sự kiện mà bà tường trình tựa như nỗi đắng cay quá sức chịu đựng về tình trạng tự tử tập thể của tộc người Ik mà Turnbull đã mô tả lại. Một cảnh tượng lạ lùng xảy ra sau đó khi Bates tháp tùng Radcliffe-Brown đến khu vực cay nghiệt dành cho người sắp chết, ở đó những người thổ dân bệnh tật và sợ hãi, sống tách biệt với cộng đồng, đang chờ đợi cái chết. Bà kể lại rằng Radcliffe-Brown yêu cầu những người đàn ông luống tuổi hát cho ông ghi âm những bài hát dùng trong nghi lễ và để đáp lại, ông mở cho họ nghe những bản nhạc của Tannhauser và Egmont.[12]

Vào thế kỷ 20, đủ loại bệnh tật và nạn diệt chủng đã làm giảm dân số thổ dân Australia từ khoảng 300.000 người, hoặc trên mức đó, xuống còn dưới 40.000 người. Đến giữa thế kỷ 20, cùng với chính sách “ổn định hóa” các khu vực cư trú cho thổ dân, chế độ cấp phát nhu yếu phẩm và chăm sóc y tế của chính phủ hay của các khu truyền giáo, dân số người bản địa bắt đầu tăng trở lại. Đời sống tín ngưỡng cũng vậy, mặc dù chỉ thực hiện có mỗi một chức năng mới là tập trung khẳng định bản sắc và tinh thần tự trọng của một dân tộc bị mất độc lập, nhưng nó bắt đầu phục hồi và lan rộng. Số lượng các nhà nhân loại học ngày một đông hơn, nhất là những người muốn nghiên cứu đời sống của những người săn bắt-hái lượm nguyên thủy. Họ thường phỏng vấn những người sống cách xa các khu truyền giáo hay cách xa các trại chăn nuôi gia súc chứ không phỏng vấn các nhân viên phục vụ trực tiếp gắn với các tổ chức như thế. Song hiếm khi họ hỏi sâu về lịch sử một dân tộc, thậm chí họ chẳng màng hỏi đến các chế độ nhà nước hiện hành đối với những người thổ dân như chế độ cấm hôn nhân ngoài khu vực cư trú.

Chúng ta nên làm rõ vấn đề. Phớt lờ đi các hiện thực lịch sử, kinh tế, chính trị của đời sống thổ dân là nhằm đánh bóng cho những tác động của hoạt động xâm chiếm và áp bức, và do đó đã hiểu sai các quan hệ xã hội có được khi các thổ dân đã là những người săn bắt-hái lượm tự trị trong việc kiểm soát thế giới xã hội riêng của họ. Về quan hệ giữa nam và nữ, khi bóc cái vẻ bề ngoài các tư liệu lịch sử tộc người ta sẽ thấy những giả định về vai trò quan trọng trước kia của phụ nữ, như Howitt từng đề cập đến những người phụ nữ đứng tuổi có vai vế ở vùng Đông Nam Australia. Song chỉ đến thời gian gần đây thì quan điểm ấy mới được người ta thừa nhận. Cách đây khoảng một trăm năm, Spencer và Gillin đã lưu ý một khu vực để tiến hành nghi thức khai tâm cho nữ giới trong ba ngày ở người Arunta và có bình phẩm rằng “đó là thời gian mà người phụ nữ có vai trò xã hội quan trọng hơn so với tình trạng hiện nay đối với những nghi thức như vậy”. Điều đáng tiếc là họ không đưa thêm được một thông tin nào ngoại trừ sự nhàm chán của nghi thức ấy trong cách nhìn của họ. Trong cuốn Tôn giáo Australia, mới được tái bản gần đây, Mireca Eliade có nhắc đến nhiều nam thần tối cao nhưng không hề nhắc đến nhân vật huyền thoại quan trọng luôn xuất hiện trong các trang viết của Spencer và Gilline là nữ thần Mặt trời. Eliade viết rằng nghi thức khai tâm cho con gái đơn giản hơn cho con trai và nó đối lập thẳng thừng với những dữ kiện mô tả tộc người mở đầu bằng cách nói: “như mọi nơi khác trên thế giới”.

Trong bản tường trình về người Tiwie, nhóm tác giả Hart và Pilling đã nêu lên tính cần thiết phải nghiên cứu lịch sử tộc người. Họ mô tả các ảnh hưởng của hoạt động truyền giáo cũng như nạn mãi dâm đã cổ xúy cho nam giới kiểm soát hoạt động tính dục của phụ nữ trong thế kỷ 20 như thế nào và tiếp tục nghiên cứu xem những ảnh hưởng ban đầu đã tác động lên nền chính trị trao đổi vợ (politics of wife-trading) như thế nào. Nhóm tác giả ấy viết rằng nghiên cứu tài liệu lưu trữ là cần thiết để xác định quy mô của hoạt động cướp bóc nô lệ của người Bồ Đào Nha vào thế kỷ 18. Bởi vì có thể chính những người đàn ông trẻ tuổi bị bắt đến Timor, họ cho rằng chế độ nô lệ có thể đã khuyến khích sự thống trị và độc quyền đối với các bà vợ ở những người đàn ông Tiwie luống tuổi.

[Leacock còn đưa ra thêm ba trường hợp minh họa cho mô tả tộc người, nhưng vì khuôn khổ có hạn chúng ta không thể in lại ở đây. Và dưới đây, chúng tôi sẽ tóm tắt các trường hợp đó.

Trong phần viết có tựa đề “Amazon”, gồm 1,100 chữ và 11 chú thích, lần đầu tiên Leacock phân chia lịch sử Amazon thành 5 giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn tiền thuộc địa, còn các giai đoạn kia bà nhấn mạnh đến những tác động của quá trình thực dân hóa. rồi sau đó bà đi đến bàn về người Yanomamo và khẳng định rằng bức tranh về người Yanomamo như là “những kẻ xấu xa” là nhằm biện hộ cho hoạt động phá hoại các khu rừng Amazon. Trích dẫn nhà địa lý học William J. Smole (1976), Leacock cho rằng người Yanomamo, qua nghiên cứu của Chagnon, bị biến thành thứ xấu xa vì họ đã đối đầu lại những kẻ xâm lược Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Smole cũng đã nói rằng vị trí của phụ nữ ở người Yanomamo trên cao nguyên mà ông nghiên cứu tốt hơn nhiều so với những gì Chagnon trình bày. Leacock kết thúc mục bài viết này bằng cách tuyên bố rằng chính nghiên cứu không nghiêm túc về lịch sử và chính trị Yanomamo của Chagnon đã làm cho bức tranh của ông về tính gây hấn và sự thống trị của nam giới ở một dân tộc gần như vẫn còn trong tình trạng nguyên thủy mất đi độ tin cậy cần thiết.

Trong phần viết có tựa đề “Melanesia”, gồm 836 từ với 6 chú thích, Leacock cho rằng các xã hội ở Tân Guinea thường được viện dẫn như là bằng chứng thực tế cho tình trạng phụ thuộc của nữ giới trong các xã hội bình đẳng. Song điều này không đúng vì từ xưa, công việc tưới tiêu và hoạt động trao đổi buôn bán giả định là ở khu vực này đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng phân tầng xã hội. Hơn nữa, các quan hệ buôn bán với những người Malays, Trung Quốc và với những người Châu Âu có thể phá vỡ các quan hệ bình đẳng. Sự đố kị thường biểu hiện giữa nam và nữ khiến chúng ta nghĩ đến một xã hội mà trong đó địa vị xã hội được xác lập và phụ nữ bị mất quyền kiểm soát đối với nền sản xuất của họ. Sự thật là, ở Tân Guinea, phụ nữ thường phản ứng lại trình trạng phụ thuộc của mình một cách giận dữ không úp mở chứ không phải thụ động chấp nhận càng khiến chúng ta nghĩ đến các xã hội mà ở đó quá trình phân hóa chỉ mới bắt đầu diễn ra. Các quan hệ này càng ngày càng trầm trọng thêm do sự lấn chiếm của người châu Âu, sự lấn chiếm ấy khiến cho các bộ tộc càng ngày càng trở nên xung đột với nhau.

Phần viết có tựa đề “Africa”, gồm 2000 từ với 19 chú thích, là sự phê phán có tính căn bản về công trình của các nhà Tân Mácxít Pháp là Claude Meillassoux và Emanuel Terray. Các công trình của họ có ý nghĩa cơ bản trong sự phát triển tư tưởng Mácxít ở lĩnh vực nhân loại học trong những năm 1969 và 1970, cả hai người đều làm việc tại châu Phi. Các nhà Tân Mácxít Pháp đã thoát ra khỏi khuôn khổ chật hẹp của Nhân loại học Mácxít của trường phái Xô Viết. Các nhà tộc người học Xô Viết chỉ thừa nhận sự thống trị của phương thức sản xuất do Marx, và lược đồ của Morgan, vạch ra đối với sự phát triển của xã hội. Các nhà Tân Mácxít Pháp đã mở rộng khái niệm phương thức sản xuất, bao hàm cả những phương thức mới phù hợp với các xã hội mà các nhà nhân loại học đã nghiên cứu. Họ cũng được học hỏi nhiều hơn ở Lévi-Strauss và chịu ảnh hưởng sâu sắc các quan niệm của ông về trao đổi và vai trò của phụ nữ. Leacock bắt đầu bằng quan niệm cho rằng lịch sử châu Phi là cực kỳ phức tạp nhưng cái lịch sử ấy thường không được người ta biết đến. Dù có một vài ngoại lệ nhưng mô tả tộc người về các xã hội châu Phi đã cho thấy người phụ nữ bị đặt dưới quyền của đàn ông là không thể chối cãi. Song nghiên cứu lịch sử tộc người lại cho thấy rằng vị trí của người phụ nữ châu Phi bị xấu đi khi sự thống trị của thực dân bắt đầu thiết lập. Trước khi có chủ nghĩa thực dân, họ thường đóng một vai trò chính trị quan trọng trong cộng đồng. Mặc dù trong các xã hội đẳng cấp, ngoại trừ một số quốc gia Hồi giáo, quyền tự trị của phụ nữ bị suy giảm nhưng nó không bị phá vỡ.

Leacock vạch ra sai lầm của các nhà Tân Mác xít Pháp vì không sử dụng quan niệm của Engels, cái quan niệm cho rằng sự nô dịch phụ nữ là vấn đề quan trọng đối với quá trình phát triển hệ thống thứ bậc khi phân tích các xã hội đẳng cấp ở châu Phi. Vì họ tán thành với quan điểm của Lévi-Strauss về sự nô dịch phụ nữ có tính chất phổ biến và họ có xu hướng rút gọn các xã hội bình đẳng và các xã hội mới hình thành đẳng cấp vào một phương thức sản xuất cụ thể nào đó. Điều này che lấp các quá trình cơ bản của sự hình thành hệ thống thứ bậc. Trong công trình nghiên cứu của Terray về người Gayman, vấn đề trở nên rõ ràng hơn. Terray coi các quan hệ thân tộc ở người Gayman là các quan hệ bóc lột phụ nữ và thanh niên. Các quan hệ này cuối cùng bị các quan hệ dựa trên chế độ nô lệ thống trị. Song Terray không truy tìm nguyên nhân tại sao phụ nữ lại bị bóc lột trước tiên. Còn Leacock lại tìm thấy câu trả lời trong công trình của Terray. Theo bà, Terray quan niệm rằng cơ cấu dòng họ có quan hệ với cơ cấu chính trị, nhưng không phải là cái có trước cơ cấu chính trị; hơn nữa, “thanh niên” là một đẳng cấp có thể gồm cả những người đàn ông quá tuổi thanh niên. Cuối cùng, lao động nô lệ được sử dụng trong phương thức sản xuất gia tộc. Do đó, Terray không nhận thấy rằng sự bóc lột phụ nữ và thanh niên trong phương thức sản xuất gia tộc cần thiết cho sự tồn tại của xã hội đẳng cấp nhưng không phải là cái có trước xã hội ấy. Terray cũng không thể xét thấy khu vực đô thị có quan hệ không bình đẳng đã thu hút khu vực nông thôn có quan hệ bình đẳng. Phân tích của ông cũng thiếu sức thuyết phục vì không thể xem xét những biến đổi xảy ra khi vạch trần chế độ nô lệ châu Âu.]

KẾT LUẬN

Trên nhiều lĩnh vực, nghiên cứu các hoạt động kinh tế xã hội của phụ nữ đã làm lung lay một số các giả định được xây dựng về xã hội và lịch sử. Tôi từng cho rằng chỉ khi nào hệ thống thứ bậc giới được xem xét như là vấn đề lịch sử, chứ không phải là một dữ kiện tâm sinh lý, thì cơ cấu các quan hệ cộng sản nguyên thủy mới được hiểu một cách đúng đắn và vai trò của trao đổi trong quá trình biến đổi của các quan hệ ấy sẽ được sáng tỏ hơn. Sự cần thiết có một lý thuyết có hiệu lực về trao đổi trong các xã hội tiền tư bản được nhận thức sâu sắc bởi các nhà nhân  học nhưng có điều mỉa mai là lý thuyết đó, đặc biệt là các lý thuyết nhân loại học Mác xít, theo truyền thống cấu trúc, lại gắn với toàn bộ quan niệm phản-Mác xít về hiện tượng trao đổi phụ nữ như là hiện tượng cơ bản trong xã hội cộng sản nguyên thủy.[13] Chỉ khi nào cách trình bày như thế được yêu cầu một cách nghiêm ngặt thì các giai đoạn ban đầu của tiến trình phụ nữ thật sự trở thành một thứ hàng hóa để trao đổi mới có thể được làm sáng tỏ. Bởi lẽ các giai đoạn ấy không thể tách khỏi những bước ban đầu trong quá trình chuyển đổi từ sử dụng sang giá trị, từ lao động sang lao động trừu tượng và từ sản xuất hợp tác sang bóc lột.

Một lý thuyết có hiệu lực về trao đổi hàng hóa cần thiết cho cả phân tích các xã hội tiền tư bản lẫn giải thích những tác động lên các xã hội ấy của thực dân hóa và chủ nghĩa đế quốc. Chỉ khi nào vấn đề giới trong các xã hội cộng sản nguyên thủy được hiểu như là những hoạt động trao đổi hàng hóa và các dịch vụ một cách độc lập về mặt kinh tế thì toàn thể lực lượng các quan hệ tư bản chủ nghĩa trong việc lật đổ lao động của phụ nữ, và do đó, làm thay đổi toàn bộ cơ cấu các quan hệ trong các xã hội ấy, mới có thể được nhận thức một cách sâu sắc. Đến lúc ấy, huyền thoại về quà tặng mô tả tộc người sẽ vẫn còn biện hộ cho giả định, rất thịnh hành trong khoa học bình dân (pop-science) và truyền thông đại chúng, rằng cái tư tưởng phổ biến coi người đàn ông là trụ cột của gia đình, mà phụ nữ và trẻ em tạm thời phụ thuộc họ, đã phản ánh nhu cầu hay chiều hướng nào đó của con người. Đến lúc ấy, lịch sử văn hóa và truyền thống văn hóa của các dân tộc thế giới thứ ba sẽ còn bị hiểu nhầm, bị bóp méo cho phù hợp với lợi ích của sự bóc lột tư bản chủ nghĩa.

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

 


Nguồn: trích từ sách Lý thuyết nhân loại học của R. John McGee, Richard L. Warms. Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2010.



[1] Cặp quan hệ là mối quan hệ có hai bộ phận. Ở đây, Leacock cho rằng sự hình thành các cặp quan hệ về sự phụ thuộc trong các gia đình cá nhân là nhân tố thứ yếu để giải thích nguồn gốc của bóc lột.

[2] Trong đoạn này, Leacock cố gắng lược thuật lý thuyết của Marx về nguồn gốc của hệ thống cấp bậc. Bước đầu là sự vận động đi từ việc sản xuất vật đơn thuần là để tiêu dùng (vì “giá trị sử dụng” của chúng) đến việc sản xuất vật với tính cách là hàng hóa có thể bán được. Marx cho rằng sự vận động này cho phép con người trong xã hội tư bản nghĩ về lượng lao động tiến hành sản xuất một vật phẩm ngang bằng với giá trị của vật phẩm đó. Tuy nhiên, xã hội tư bản đã tạo nên hiện tượng sùng bái hàng hóa, làm cho giá hàng hóa cao hơn lao động đã sản xuất ra nó. Quan điểm của Marx thỉnh thoảng được nói đến như là học thuyết giá trị lao đ

Thông tin này có hữu ích đối với bạn không? Có (1) Không (0)

Bình luận (0)

Loading...

Bài viết tương tự

Đối tác của chúng tôi