Nhìn lại 10 năm thực hiện chiến lược xóa đói giảm nghèo, việt nam đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ. tuy nhiên, sự nghiệp này cũng đang đặt ra nhiều thách thức mới...
Điểm sáng trong công tác xóa đói, giảm nghèo
Trong 10 năm qua, Chính phủ đã ban hành các hệ thống chính sách về giảm nghèo toàn diện cho các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo. Một số chương trình lồng ghép như: Các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội, các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo... được triển khai đồng bộ, có hiệu quả.
Điểm nổi bật trong các chính sách giảm nghèo mà Chính phủ hướng tới là các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhằm hạn chế tình trạng tái nghèo, bảo đảm giảm nghèo bền vững. Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định nâng mức hỗ trợ đóng Bảo hiểm y tế cho một số đối tượng cận nghèo, chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo, cho vay ưu đãi có tính lãi suất với hộ nghèo để nâng cao ý thức và trách nhiệm sử dụng vốn. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ vẫn tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội. Năm 2012, tổng kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội khoảng 324 nghìn tỷ đồng, bằng 35,8% tổng chi ngân sách Nhà nước, tăng 33,2% so với năm 2011.
Theo báo cáo tại Hội thảo "Mười năm thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam: Thành quả -cơ hội -thách thức" do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức, các chương trình giảm nghèo trong năm 2011, 2012 đã đạt được những kết quả đáng mừng, vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân giảm hơn 2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở 62 huyện nghèo bình quân giảm hơn 7%/năm; hơn 1 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất; hơn 500 nghìn hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở…
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã đánh giá tỷ lệ giảm nghèo ở Việt Nam giảm từ 60% xuống còn 20,7% trong 20 năm (1990-2010) với khoảng 30 triệu người. Nhiều nước và tổ chức quốc tế coi Việt Nam là điểm sáng thành công trong xóa đói, giảm nghèo, thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Quân đội chung tay góp sức giúp hộ nghèo
Xóa đói, giảm nghèo không chỉ dừng lại ở việc thực hiện chính sách xã hội, không phải việc riêng của ngành lao động -xã hội mà là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã nỗ lực khắc phục khó khăn trong sản xuất kinh doanh để tích cực tham gia có hiệu quả, trách nhiệm vào công tác giảm nghèo bền vững thông qua việc tạo điều kiện để người dân tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhằm tạo ra thu nhập ổn định cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương. Từ năm 2009 đến 2011, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã giải ngân hỗ trợ các huyện nghèo gần 1.620 tỷ đồng, đạt 80% so với cam kết.
Cùng với Nhà nước, các địa phương đã chủ động sáng tạo trong chỉ đạo, tuyên truyền vận động người dân tham gia cùng chính quyền để hỗ trợ nhau thoát nghèo; chủ động bố trí ngân sách, kinh phí thực hiện. Nhiều địa phương đã chủ động điều chỉnh chính sách theo hướng tốt hơn cho người dân như: Điều chỉnh chuẩn nghèo, nâng mức hỗ trợ, cụ thể hóa các chỉ tiêu, thay đổi cách tiếp cận nghèo… Nguồn nhân lực làm công tác giảm nghèo được tăng cường cả về số lượng và chất lượng với gần 500 cán bộ, hơn 1000 trí thức trẻ tình nguyện về công tác tại các huyện nghèo và 580/600 trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học được tăng cường về làm Phó chủ tịch UBND xã tại 62 huyện nghèo.
Cùng với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, những năm qua, các đơn vị quân đội đã có nhiều nội dung, hình thức hoạt động để cùng Nhà nước tham gia xóa đói, giảm nghèo như: Giúp đỡ các địa phương phát triển cơ sở hạ tầng, giúp đỡ nhân dân định canh, định cư... Thông qua xây dựng các khu kinh tế -quốc phòng (KT-QP), quân đội đã có nhiều mô hình giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; đón nhận một bộ phận hộ nghèo từ nơi khác vào làm ăn sinh sống, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là ở các xã nghèo. Số liệu thống kê năm 2012 cho thấy, các đơn vị quân đội đã tham gia xóa đói, giảm nghèo ở 233 xã, giúp đỡ hơn 34.200 hộ nghèo với số tiền hơn 43, 4 tỷ đồng.
Để trực tiếp xóa đói, giảm nghèo cho 100 nghìn hộ mà Chính phủ đã giao, Bộ Quốc phòng đã chủ động xây dựng 22 khu KT -QP trên các địa bàn chiến lược biên giới, hải đảo; kết hợp phát triển kinh tế -xã hội với củng cố quốc phòng -an ninh, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân. Với việc trực tiếp cử cán bộ, chiến sĩ xuống các xã, bản trong khu KT -QP tiến hành công tác dân vận, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tuyên truyền về nếp sống văn hóa và phổ biến khoa học kỹ thuật sản xuất đã làm thay đổi từng bước cách nghĩ, cách làm của đồng bào theo hướng tiến bộ.
Mô hình kết hợp kinh tế với quốc phòng do các đoàn KT -QP thực hiện đã giúp người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn có việc làm, thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo bền vững.
Theo Thiếu tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Khải, Phó giám đốc Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng), các đơn vị quân đội đóng quân ở vùng biên giới, hải đảo cần tiếp tục phát huy vai trò trong công tác xóa đói, giảm nghèo để vừa phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn đóng quân, giữ vững quốc phòng -an ninh và là điểm tựa vững chắc cho đồng bào vùng biên giới nơi phên giậu của Tổ quốc.
Những thách thức không nhỏ
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mặc dù đã đạt được những thành tựu ấn tượng nhưng trong đời sống kinh tế -xã hội vẫn tồn tại những nhóm thách thức cả trước mắt và lâu dài đối với nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo. Những thách thức này phần lớn bắt nguồn từ những đặc điểm kinh tế -xã hội của đất nước, từng vùng miền cũng như bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tất Thắng cho rằng: Tốc độ giảm nghèo nhanh chóng là một trong những thành tựu to lớn của chính sách đổi mới kinh tế, nhưng đây là sự thoát nghèo của những người sống trong một đất nước còn nghèo khi vừa mới chuyển lên trình độ của nước có mức thu nhập trung bình hạng thấp. Tình thế thoát nghèo như vậy thường kém bền vững do việc ổn định kinh tế vĩ mô và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ngày càng khó khăn hơn. Hơn nữa, những người nghèo ngày càng khó tiếp cận với các điều kiện giảm nghèo chung do không theo kịp tốc độ gia tăng của các điều kiện giảm nghèo, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số. Báo cáo đánh giá về người nghèo ở Việt Nam năm 2012 của WB đã cảnh báo: Nghèo trong các nhóm dân tộc thiểu số là một thách thức kéo dài. Tuy chỉ chiếm 15% dân số cả nước nhưng chiếm tới 47% tổng số người nghèo vào năm 2010, so với 29% năm 1998.
Bên cạnh những thách thức giảm nghèo mang tính lâu dài thì công cuộc giảm nghèo ở nước ta còn phải tính đến một số thách thức mới như: Bất ổn vĩ mô ngày càng tăng khiến cho tốc độ giảm nghèo có xu hướng chậm lại; nghèo tại khu vực thành thị gia tăng do tốc độ đô thị hóa nhanh khiến người dân gặp khó khăn trong giai đoạn chuyển đổi và nguy cơ tái nghèo mới ở khu vực nông thôn, ven biển…
Thời gian để các nước hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ không còn nhiều. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam đang đứng thứ 6 trên toàn cầu về thực hiện các mục tiêu. Vì vậy, việc tiếp tục duy trì những thành tựu đã đạt được và tăng tốc để cán đích đang đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết mà trước hết đòi hỏi phải có những biện pháp thiết thực để vượt qua được những thách thức nêu trên. Mặc dù bối cảnh kinh tế vĩ mô trước mắt có những hạn chế nhất định đối với công tác xóa đói, giảm nghèo nhưng lợi ích phát triển của xóa đói, giảm nghèo cho toàn dân và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị sẽ là động lực mạnh mẽ để cả nước có thể hy vọng rằng Việt Nam sẽ hoàn thành tốt nhất các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã cam kết.
Bình luận (0)
Loading...