Sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản

Số lượng các địa phương tham gia đã tăng nhanh, chất lượng dịch vụ được cải thiện và vấn đề này đã được lồng ghép với vấn đề hiv/aids.

Kể từ khi Chính phủ Việt Nam phê duyệt Chiến lược quốc gia về Chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn 2001-2010 đầu tiên, cả nước đã đạt được những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực này. Số lượng các địa phương tham gia đã tăng nhanh, chất lượng dịch vụ được cải thiện và vấn đề này đã được lồng ghép với vấn đề HIV/AIDS.

Tổng quan

Kể  từ khi Chính phủ Việt Nam phê duyệt Chiến lược quốc gia về Chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn 2001-2010 đầu tiên, cả nước đã đạt được những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực này. Số lượng các địa phương tham gia đã tăng nhanh, chất lượng dịch vụ được cải thiện và vấn đề này đã được lồng ghép với vấn đề HIV/AIDS. Hiện nay Chuẩn quốc gia và Hướng dẫn về sức khỏe sinh sản (SKSS) đã được ban hành và đã có một hệ thống Thông tin quản lý Y tế thống nhất. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải cải thiện. Các chính sách về SKSS không nên chỉ chú trọng tới các biện pháp KHHGĐ lấy phụ nữ làm trung tâm mà cần phải tập trung vào các vấn đề rộng hơn trong SKSS với sự chú ý tới nhu cầu của các nhóm khác nhau như nữ giới, nam giới và vị thành niên.

Khoảng một nửa dân số Việt Nam có độ tuổi dưới 25 và hiện nay tỷ lệ có thai ngoài ý muốn và tỷ lệ phá thai còn khá cao đặc biệt là trong nhóm phụ nữ thành thị chưa lập gia đình. Cùng với vấn đề này là sự gia tăng không ngừng của tỷ lệ nhiễm HIV. Tuy nhiên việc sử dụng bao cao su vẫn còn thấp và giới trẻ vẫn chưa có nhận thức đúng đắn về các cách lây truyền và phòng chống HIV/AIDS. Để giải quyết được vấn đề này cần có các biện pháp mạnh hơn và cần trú trọng vào biện pháp tăng sự tiếp cận với các phương pháp tránh thai. Hai kết quả chính về SKSS trong chương trình quốc gia chu kỳ 7 như sau:

  • Tăng tính sẵn có của các thông tin và dịch vụ SKSS (bao gồm cả thông tin và dịch vụ KHHGĐ và sức khỏe tình dục) có chất lượng, và có sự nhạy cảm về giới.
  • Tăng nhu cầu về thông tin và dịch vụ SKSS có chất lượng và có sự nhạy cảm về giới.

UNFPA cũng hỗ trợ Bộ Y tế cập nhật các hướng dẫn chuẩn quốc gia về SKSS nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS tại tất cả các cấp. Các hướng dẫn này tập trung vào 5 dịch vụ chính:

  • Làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ sơ sinh
  • KHHGĐ
  • Các bệnh lây nhiễm qua đường sinh sản (bao gồm cả các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và HIV/AIDS)
  • SKSS vị thành niên
  • Nạo phá thai an toàn

1. Các lĩnh vực kỹ thuật chính

Sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh: Tiến tới mục tiêu thiên niên kỷ số 5

Mục tiêu thiên niên kỷ thứ 5 tập trung vào việc cải thiện sức khỏe bà mẹ. Mục tiêu này được xây dựng từ Hội nghị về Làm mẹ an toàn tổ chức tại Nairobi năm 1987 trong đó có đưa ra một mục tiêu giảm 50% tỷ lệ tử vong mẹ tới năm 2000. Sức khỏe bà mẹ và làm mẹ an toàn là các thành tố tự nhiên của Sức khỏe tình dục và SKSS và giúp tăng cường sức khoẻ bà mẹ và trẻ em.

Các nguyên nhân chính dẫn tới tử vong mẹ là băng huyết, sinh khó và nhiễm trùng. Hiện tượng tử vong mẹ thường phổ biến hơn đối với phụ nữ vùng cao nguyên và khu vực miền núi phía Bắc (trích Phấn đấu đạt các mục tiêu thiên niên kỷ: Giải pháp của UNFPA đáp ứng nhu cầu về Làm mẹ an toàn và Chăm sóc trẻ sơ sinh ở Việt Nam. Có đầy đủ các bằng chứng để kết luận rằng tỷ lệ tử vong mẹ chưa được báo cáo đầy đủ hoặc bị báo cáo sai.

Việt Nam cho biết đã giảm thành công tỷ lệ tử vong mẹ từ 120/100.000 ca đẻ sống năm 1990 xuống còn 85/100.000 ca đẻ sống vào năm 2004, và hiện nay hơn 90% phụ nữ có thai và phụ nữ khi sinh đã được các nhân viên y tế có kỹ năng chăm sóc. Tuy nhiên kết quả của một nghiên cứu trên toàn quốc do Bộ Y tế thực hiện năm 2003 cho thấy tỷ lệ tử vong mẹ ở Việt Nam vẫn là 165/100.000 ca đẻ sống và tại một số vùng sâu vùng xa tỷ lệ này lên tới hơn 400/100.000 ca đẻ sống. Hiện nay vẫn có sự khác biệt lớn về tử vong mẹ giữa các vùng trên cả nước. Các khu vực miền núi phía Bắc và Trung du, nơi cư trú của hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số thường có tỷ lệ tử vong mẹ cao hơn và có tỷ lệ tiếp cận với các dịch vụ y tế thấp hơn các khu vực đồng bằng và khu vực đô thị.

Với việc ban hành Chiến lược quốc gia về Chăm sóc SKSS năm 2001 được xây dựng dưới sự hỗ trợ của UNFPA, vấn đề chăm sóc sức khỏe bà mẹ đã được xây dựng lồng ghép vào kế hoạch phát triển ở Việt Nam. Đây chính là tiền đề cho việc xây dựng Kế hoạch Tổng thể Quốc gia về Làm mẹ An toàn giai đoạn 2003-2010. Đây là chương trình hợp tác giữa UNFPA, Bộ Y tế và các đối tác khác dưới sự tài trợ của chính phủ Hà Lan nhằm mục tiêu giảm một nửa (50%) tỷ lệ tử vong mẹ, giảm 20% tỷ lệ tử vong chu sinh và giảm 25% tỷ lệ trẻ sinh nhẹ cân.

Dựa vào đánh giá về nhu cầu tiến hành năm 2006, với sự tài trợ của UNFPA, Bộ Y tế hiện đang tiến hành thực hiện các biện pháp can thiệp về Làm mẹ an toàn tại 7 tỉnh trọng điểm và coi đây là một nội dung của Chương trình quốc gia chu kỳ 7. Đánh giá giữa kỳ đã được tiến hành năm 2008 và đánh giá cuối kỳ dự kiến tiến hành năm 2010.

Một số hoạt động bao gồm:

  • Đào tạo kỹ năng cho nữ hộ sinh tại các trường cao đẳng và trung học y tế
  • Đào tạo cấp cứu sản khoa cho chăm sóc sản khoa cho cán bộ lâm sàng
  • Đào tạo lại cho cán bộ quản lý y tế
  • Đào tạo lại về hướng dẫn chuẩn quốc gia về các dịch vụ SKSS
  • Chương trình đào tạo trước khi hành nghề cho nữ hộ sinh cấp hai
  • Chương trình đào tạo cô đỡ thôn bản 18 tháng
  • Đào tạo chuyên môn cho bác sỹ sản và bác sỹ đa khoa
  • Đào tạo sử dụng thiết bị y tế
  • Hệ thống chuyển tuyến từ cấp cơ sở cho các ca cấp cứu
  • Đào tạo về đỡ đẻ an toàn cho các cán bộ y tế

(Để có thêm chi tiết về các hoạt động, xin tham khảo Hướng tới các mục tiêu Thiên niên kỷ: UNFPA đáp ứng các nhu cầu về Làm mẹ An toàn và Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Việt Nam)

Chương trình phối hợp của Liên hợp Quốc tại Kon tum

Kon Tum là một tỉnh nông thôn miền núi nằm ở vùng Tây nguyên. Đây là một tỉnh có mức nghèo hơn mức trung bình trên toàn quốc đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ tử vong mẹ và tỷ lệ tử vong sơ sinh cũng cao hơn ở người dân tộc thiểu số tại khu vực này. Chương trình phối hợp Liên hợp quốc tại Kon Tum là nỗ lực chung của UNFPA, UNICEF và UNDP nhằm nâng cao năng lực cải thiện việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ bao gồm SKSS, sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ em, giáo dục cơ bản, vệ sinh và nước sạch và các dịch vụ bảo trợ cho người dân tộc thiểu số và các nhóm yếu thế khác. Mỗi cơ quan sẽ đóng góp phần chuyên môn của mình vào chương trình hợp tác này. Để có thêm chi tiết, xin tham khảo Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc tại Kon Tum giai đoạn 2007-2010 đăng tại trang Web của UNDP Việt Nam hoặc tham khảo văn kiện dự án.

Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ)

Việt Nam vẫn chưa đạt được sự tiếp cận mang tính toàn cầu với các dịch vụ SKSS và KHHGĐ thiết yếu, đây là vấn đề cần phải giải quyết nếu quốc gia muốn đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và nâng cao vị thế cho người phụ nữ. Hiện nay biện pháp tránh thai chủ yếu mà người phụ nữ sử dụng là vòng tránh thai. Tuy nhiên, UNFPA hiện đang tuyên truyền thay đổi phương pháp KHHGĐ lấy phụ nữ làm trung tâm để chuyển sang các phương pháp có sự tham gia của nam giới, ví dụ như sử dụng bao cao su. Bảo đảm nguồn cung cấp các phương tiện tránh thai, hoặc “an ninh phương tiện tránh thai” (cho cả lĩnh vực KHHGĐ và phòng chống HIV) đã được quan tâm nhiều hơn và hiện tại Việt Nam đang xây dựng một chiến lược quốc gia về lĩnh vực này với sự hỗ trợ của UNFPA.

An ninh phương tiện tránh thai có nghĩa là đảm bảo rằng tất cả khách hàng ở bất kể lứa tuổi nào, dù là trai hay gái, dù có gia đình hay còn độc thân, dù ở địa vị xã hội nào, bất luận thu nhập và điều kiện sống thế nào cũng có thể tiếp cận, lựa chọn và sử dụng các biện pháp tránh thai có chất lượng bất kỳ khi nào họ cần trong KHHGĐ, trong phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và trong phòng chống HIV. UNFPA ước tính rằng nếu thiếu đi 1 triệu đô la (khoảng 16 tỷ đồng Việt Nam) để mua các biện pháp tránh thai thì sẽ dẫn tới 360.000 ca có thai ngoài ý muốn, 800 ca tử vong mẹ, 11.000 ca tử vong trẻ em dưới 5 tuổi và 150.000 ca nạo phá thai (nguồn: Nhóm hỗ trợ kỹ thuật quốc gia, Bangkok. Để có thêm thông tin chi tiết, xin tham khảo trang Web của UNFPA.)

Đảm bảo nguồn cung cấp các phương tiện SKSS và sức khỏe tình dục bao gồm cả bao cao su phòng chống HIV

Phương pháp tiếp cận của UNFPA với an ninh hàng hóa SKSS có thể được tóm tắt bằng một câu ngắn gọn như sau: có đúng số lượng, đúng sản phẩm trong đúng điều kiện yêu cầu, được cung cấp đúng nơi đúng lúc với giá cả đúng. Chúng tôi đóng vai trò chính trong lĩnh vực này với vai trò điều phối toàn bộ quá trình, dự báo trước nhu cầu, huy động các nguồn lực hỗ trợ và xây dựng năng lực hậu cần trên phạm vi toàn quốc. Chiến lược đề xuất đối với Việt Nam (với sự hỗ trợ của UNFPA) sẽ đảm bảo đủ nguồn tài chính và cung cấp đủ các phương tiện tránh thai, cải thiện năng lực điều phối và quản lý đảm bảo an ninh phương tiện tránh thai, đồng thời xây dựng và mở rộng thị thường các biện pháp tránh thai để các cá nhân và cộng đồng có thể cùng chia xẻ phần nào các chi phí.  Phần nâng cao năng lực tiếp thị xã hội đối với khu vực tư nhân và phi chính phủ bao gồm cả tổ chức DKT International sẽ khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức Phi chính phủ trong nước tổ chức các hoạt động tiếp thị xã hội, đồng thời tuyên truyền về sự phát triển của thị trường này thông qua việc xây dựng các chính sách hỗ trợ, tạo các cơ hội cho các đối tác cùng chia xẻ kinh nghiệm với các đối tác chính phủ.

SKSS và sức khỏe tình dục (SKTD) vị thành niên

Việt Nam là một môi trường mang tính thách thức lớn đối với các sáng kiến về SKTD và SKSS vị thành niên do các quan điểm truyền thống liên quan tới  việc đề cập về vấn đề tình dục với thanh niên. Tuy nhiên hiện tại UNFPA đang nỗ lực thưc hiện việc thay đổi thái độ và các nhà hoạch định chính sách hiện đã nhận ra nhu cầu cần phải đáp ứng các nhu cầu về SKSS của thanh niên. Chẳng hạn trong chương trình quốc gia chu kỳ 7, UNFPA sẽ thực hiện đào tạo các giảng viên tuyến trung ương và tuyến tỉnh về việc áp dụng các Hướng dẫn và các Chuẩn quốc gia về Dịch vụ chăm sóc SKSS tập trung vào các vấn đề về quyền và SKTD và SKSS cho vị thành niên. Chương trình quốc gia chu kỳ 7 cũng tập trung hỗ trợ tuyến tỉnh tiếp tục thực hiện các dịch vụ thân thiện hiện có về SKSS và cung cấp thông tin cho thanh niên. Các dịch vụ này bao gồm chăm sóc cho thanh niên, tạo sân chơi cho giới trẻ, cung cấp các dịch vụ tư vấn tại trung tâm, góc thân thiện với thanh niên, và giáo dục đồng đẳng. Hoạt động này cũng sẽ tập trung đào tạo các cán bộ y tế tại một số tỉnh được lựa chọn về cách thức cung cấp các dịch vụ và thông tin về SKTD, SKSS phù hợp cho đối tượng thanh niên đồng thời tập trung vào các hoạt động tại cộng đồng nhằm tạo ra một môi trường hỗ trợ thanh niên tiếp cận với các thông tin cần thiết.

Các bà mẹ không còn né tránh khi bàn về chủ đề này nữa

“Kể từ khi tôi học lớp 10 tôi đã thường tới góc thân thiện cùng với bạn bè của mình. Tại nơi này, chúng tôi được học các vấn đề về SKSS cho vị thành niên qua sách báo và qua các tờ rơi. Nhân viên tại nơi này thường tổ chức các hoạt động cho chúng tôi chẳng hạn như các cuộc thi kiến thức về SKSS, các cuộc thi vẽ tranh và biểu diễn văn nghệ. Một hoạt động mà tôi thích nhất là tham gia vào Câu lạc bộ Mẹ và Con gái. Khi tới đây tôi cảm thấy mối quan hệ giữa mẹ và mình cởi mở hơn. Mẹ và tôi có thể nói chuyện thoải mái về những điều mà trước đây tôi thường né tránh không dám hỏi và các bà mẹ cũng thấy việc chia xẻ kiến thức dễ dàng hơn thay vì chỉ nói với chúng tôi “khi nào lớn lên con sẽ biết” như trước đây.”

-Thúy, Sinh viên trường cấp hai Lạc Long Quân, tỉnh Hòa Bình

Giải pháp mang tính toàn diện trong giáo dục

Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV tại Việt Nam tập trung giải quyết các vấn đề giáo dục về HIV, chủ yếu tập trung vào việc nâng cao năng lực thể chế, hỗ trợ đào tạo về SKSS và phòng chống HIV tại các trường trung học và giải quyết các vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử khi xây dựng chính sách và các chương trình can thiệp. Trong sáng kiến này UNICEF, UNFPA và UNESCO sẽ cùng phối hợp với Bộ Giáo Dục và Đào tạo. Trước đây vấn đề này chưa được phối hợp và còn rời rạc. Sáng kiến lần này sẽ tìm cách hệ thống lại các can thiệp chống kỳ thị và phân biệt đối xử với sự tập trung cụ thể vào vấn đề phòng chống. Để có thêm chi tiết, tham khảo phần nội dung về HIV.

2. Các bệnh Nhiễm trùng qua đường Sinh sản và các bệnh Lây nhiễm qua đường tình dục

UNFPA đã thực hiện đánh giá sâu 221 nghiên cứu về SKSS và xuất bản các kết quả, các bài học kinh nghiệm và các mô hình thực hiện tốt với nhan đề Nghiên cứu về SKSS ở Việt Nam: đánh giá giai đoạn 2000 - 2005. Mặc dù số liệu của các nghiên cứu không thống nhất nhưng một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ phụ nữ mắc các bệnh nhiễm trùng đường sinh sản tương đối cao. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng kiến thức của người phụ nữ còn hạn chế kể cả với các nhóm có nguy cơ cao như đối tượng gái mại dâm.

3. SKTD và SKSS đối với di dân trong nước

Sự thiếu hiểu biết về SKTD và SKSS của người di dân trong nước hoặc di dân “tự do” mà phần lớn là phụ nữ đã dẫn tới sự gia tăng nguy cơ về lây nhiễm các bệnh viêm nhiễm đường tình dục và gia tăng sự lây nhiễm HIV. Tuy nhiên các đối tượng này thường không muốn tìm hiểu các nguồn thông tin chính thức hay các dịch vụ có chất lượng tốt về SKSS và SKTD. Họ thường tới khám tại các cơ sở y tế công mà tại các cơ sở này thường không cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và bảo mật thông tin và các dịch vụ điều trị dựa trên chẩn đoán. Chính vì thế các đối tượng này thường ít hoặc không thay đổi hành vi nguy cơ và vì thế không có khả năng thực hiện các kỹ năng sống tích cực.

UNFPA đã phối hợp với Bộ Y tế và Tổ chức Y tế và Phát triển cộng đồng (LIGHT), một tổ chức xã hội dân sự trong nước và các cơ sở y tế tại cộng đồng thực hiện thí điểm một dự án tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Dựa trên đánh giá nhu cầu thực hiện năm 2006, dự án sẽ tiến hành đào tạo cho các cơ sở cung cấp dịch vụ và thực hiện hỗ trợ kỹ thuật cho vấn đề SKSS và giới cho người dân di cư.

Tiếp cận với người dân di cư cả ở nơi làm việc và nơi cư trú, dự án thí điểm sẽ bao gồm rất nhiều hoạt động, cụ thể như:

  • Xây dựng “Hướng dẫn cho người di cư”
  • Xây dựng các tài liệu hướng dẫn về SKSS/TD và phòng chống HIV
  • Sử dụng thẻ chuyển tuyến với các thông tin về địa điểm để có thể cung cấp thông tin, tư vấn và dịch vụ dành riêng cho người di cư
  • Giáo dục viên và cán bộ truyền thông sẽ được lựa chọn từ CPFC và từ mạng lưới các tổ chức quần chúng
  • Tại mỗi địa bàn sẽ tổ chức một khóa tập huấn từ 3-5 ngày về kỹ năng truyền thông, về SKTD và SKSS và về phòng chống HIV/AIDS.
  • Hợp đồng với các đối tác cung cấp dịch vụ tư vấn về SKSS, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và HIV đồng thời cung cấp các dịch vụ cho các nhóm di cư
  • Tăng cường hệ thống chuyển tuyến đối với các dịch vụ y tế

Tổng quan về HIV

Đại dịch HIV ở Việt Nam hiện đang tập trung phần lớn vào một số nhóm dân số có nguy cơ cao và có lỷ lệ HIV cao như các nhóm tiêm chích ma túy, gái mại dâm và bạn tình của họ và nhóm tình dục đồng giới nam. Sự tương tác giữa các hành vi nguy cơ như chích chung kim tiêm và sinh hoạt tình dục không được bảo vệ đặc biệt là đối với nhóm nam thanh niên chính là nguyên nhân gia tăng đại dịch HIV (Để tham khảo chương trình HIV giành cho thanh niên của UNFPA, tham khảo mục SKTD và SKSS vị thành niên).

Năm 2005, tỷ lệ nhiễm HIV ước tính là .53%  tương đương với 293.000 ca lây nhiễm trên toàn quốc. Động thái của chính phủ đối với vấn đề này bao gồm việc xây dựng Khung giám sát đánh giá quốc gia, xây dựng các biện pháp can thiệp mở rộng cho các nhóm có nguy cơ cao nhất, hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự cùng tham gia vào hoạt động phòng chống HIV này. Đồng thời chính phủ cũng tăng nguồn tài chính lên gần gấp đôi cho lĩnh vực này, từ 5 triệu đô la trong năm 2006 lên 9,4 triệu đô la trong năm 2007 (tham khảo chú thích dưới đây “Xây dựng xã hội dân sự trong cuộc chiến chống HIV” để có thêm chi tiết về HIV và về xã hội dân sự)

Hỗ trợ phát triển quốc tế chiếm tới 60% tổng số kinh phí quốc gia giành cho HIV (tương đương với 47,15 triệu đô la trong năm 2006). Các nhà tài trợ chính bao gồm Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp AIDS của Tổng thống (PEPFAR), Quỹ toàn cầu về ngăn chặn AIDS, tổ chức chống Lao và sốt rét (GFATM); Tổ chức Phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DFID), Ngân hàng phát triển Châu á (ADB) và Ngân hàng Thế giới. Các tổ chức này đã đóng góp đáng kể trong việc nhân rộng và cải thiện các biện pháp can thiệp, điều trị , chăm sóc và các hoạt động hỗ trợ trên toàn quốc (NguồnBáo cáo quốc gia thứ ba về theo dõi việc thực hiện cam kết về  HIV/AIDS)

UNFPA đã hỗ trợ các nỗ lực của quốc gia trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS và đã lồng ghép nỗ lực toàn cầu trong phòng chống đại dịch bao gồm cả Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ số 6 vào các chương trình SKSS của quốc gia, tham gia tích cực vào Chương trình phối hợp Liên hợp quốc về HIV/AIDS. Các hoạt động bao gồm giáo dục cộng đồng nhằm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử có liên quan đến HIV, SKTD và SKSS cho những sống chung với HIV và đảm bảo việc cung cấp bao cao su, khuyến khích sự tham gia tích cực hơn của đối tượng nhiễm HIV. Để có thêm chi tiết, xin tham khảo trang Web UNAIDS Viet Nam website (số liệu từ tháng 7 năm 2007).

Xây dựng xã hội dân sự trong cuộc chiến chống lại HIV: Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt nam đã thông qua một quan điểm chung về các yếu tố nào cấu thành ‘xã hội dân sự’ khi xem xét các hoạt động về HIV bao gồm các nhóm có người chung sống với  HIV, các tổ chức phi chính phủ trong nước, các tổ chức quần chúng và các tổ chức tôn giáo.

Tại Việt Nam các tổ chức xã hội dân sự có thể thúc đẩy trách nhiệm của chính phủ và hỗ trợ các dịch vụ của chính phủ cả ở trung ương và địa phương. Các tổ chức này có thể khuyến khích và hỗ trợ sự tham gia của các đối tượng nhiễm HIV (cả nam và nữ) cùng tham gia vào quá trình xây dựng chương trình, vào quá trình lập kế hoạch, thực hiện và giám sát để từ đó các tổ chức này có tiếng nói trong vấn đề hoạch định và thực thi chính sách. Xã hội dân sự cũng đã được đặt đúng chỗ trong cung cấp dịch vụ và điều này cũng góp phần đáng kể vào nỗ lực của quốc gia trong phòng chống HIV, đặc biệt trong việc tiếp cận với các đối tượng dân số lẩn tránh ngoài lề xã hội, các đối tượng mà hành vi của họ dẫn họ tới các nguy cơ lớn hơn và trong việc xây dựng và sử dụng các mạng lưới điều trị, chăm sóc và hỗ trợ tại nhà và tại cộng đồng.

Chính phủ Việt Nam đang vận hành rất nhiều các trung tâm điều trị và giáo dục cho đối tượng tiêm chích ma túy và gái mại dâm với tên gọi là các “trung tâm 05, 06”. Các tên gọi này được đặt theo số các nghị định ban hành thành lập các trung tâm này. Tỷ lệ nhiễm HIV thường cao trong các đối tượng tiêm chích ma túy và gái mại dâm vì thế tỷ lệ này cũng cao tại các trung tâm này với con số có thể lên tới 50%. Tuy nhiên các dịch vụ y tế tại các trung tâm này lại không phải do Bộ Y tế (đối tác mà UNFPA phối hợp và thực hiện nâng cao năng lực) cung cấp mà lại do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cung cấp mà Bộ này không thể lúc nào cũng cung cấp các dịch vụ chăm sóc có chất lượng. Có thể lấy ví dụ cụ thể ở tỉnh Hòa Bình với tỷ lệ những người nhiễm HIV đang cư trú trong các trại 05, 06 này có thể chiếm 20% số người nhiễm HIV trên toàn tỉnh (Tham khảo Thông tin thực tế tại tỉnh Hòa Bình năm 2007và Tóm lược về tỉnh Hòa Bình để có thêm chi tiết). Hòa Bình là một tỉnh trọng điểm của UNFPA và vì thế UNFPA đã làm cầu nối giữa Sở Lao động thương binh và Xã hội với Sở Y tế nhằm đảm bảo rằng các cán bộ y tế của trung tâm được đào tạo về SKSS và SKTD như các cán bộ y tế.

 

Các thông tin chi tiết về chương trình HIV

  1. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử có liên quan đến HIV, hoạt động của câu lạc bộ cảm thông

Năm 2006 và 2007 UNFPA đã thực hiện hỗ trợ kỹ thuật cho tỉnh Hòa bình và Tiền Giang xây dựng hàng loạt các “câu lạc bộ cùng chia sẻ”. Các Câu lạc bộ này được xây dựng nhằm mục đích hỗ trợ hoạt động truyền thông về phòng chống HIV/AIDS, giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử có liên quan tới HIV. Các câu lạc bộ này được thiết kế sao cho các thành viên cảm thấy an toàn và thoải mái. Các thành viên được đối xử với sự tôn trọng và được người khác giữ bí mật, đồng thời câu lạc bộ cũng khuyến khích tôn trọng theo yêu cầu của các cá nhân. Trong môi trường này, người nhiễm HIV sẽ được chăm sóc và điều trị tốt hơn bao gồm bằng thuốc kháng virus (ART). Đây chỉ là một ví dụ trong chiến lược quốc gia và là một cơ họi để hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự.

  1. UNFPA tại địa phương với Tổ chức phát triển của LHQ (AGFUND)

Với sự hỗ trợ của AGFUND, UNFPA hiện đang thực hiện một chương trình nâng cao nhận thức về HIV và giảm kỳ thị và phân biệt đối xử có liên quan tới HIV tại các tỉnh Hòa Bình và Tiền Giang. Đây là sáng kiến dựa vào cộng đồng với sự tập trung vào phương pháp tiếp cận dựa trên quyền và một đầu ra quan trọng là đạt được sự ủng hộ về chính trị của các nhà hoạt động xã hội vì cộng đồng, các nhà lãnh đạo tôn giáo và các nhà hoạch định chính sách (tham khảo văn kiện dự án.)

  1. Đẩy mạnh mối liên kết giữa SKTD, SKSS và HIV

Chủ yếu các ca nhiễm HIV là lây nhiễm qua đường tình dục. UNFPA và cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tuyên truyền vận động mạnh mẽ để liên kết chặt chẽ hơn lồng ghép HIV/AIDS với chăm sóc SKTD, SKSS nhằm đạt được một hệ thống y tế công cộng tốt hơn, hiệu quả kinh tế hơn và đảm bảo các quyền con người. Để có thêm chi tiết xin tham khảo Kêu gọi cam kết từ New York: Kết nối giữa HIV/AIDS và SKTD, SKSS  và  Chính sách của UNFPA về lồng ghép vấn đề HIV/AIDS với SKSS và SKTD.

UNFPA cũng cùng phối hợp với WHO, UNAIDS và Hiệp hội KHHGĐ quốc tế (IPPF) đóng góp vào việc xây dựng khung liên kết các vấn đề ưu tiên (Framework for Priority Linkages), nhằm mục đích tăng cường mối liên kết giữa các chương trình SKSS, SKTD và HIV/AIDS. Khung ưu tiên này đề xuất hàng loạt các chính sách cơ bản và các hoạt động cụ thể nhằm củng cố sự lồng ghép các chương trình SKSS, SKTD và HIV.

  1. “Khát vọng sống” – Kịch truyền thanh dài kỳ nhằm thay đổi hành vi phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam

Vào ngày 6 tháng 4 năm 2008, thanh niên Việt Nam bắt đầu được biết tới một nguồn thông tin mới có thể nêu lên những thắc mắc trong cuộc sống của họ bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Đây là chương trình được phát trên đài phát thanh với tần suất 2 lần/tuần nhằm mục đích truyền thông tới các bậc cha mẹ, chấm dứt bạo lực gia đình, chung sống với  HIV và các vấn đề nổi cộm khác. Với nhan đề Khát vọng sống chương trình sẽ được phát sóng trong 2 năm trên phạm vi toàn quốc và sẽ tập trung vào các vấn đề như công bằng giới, HIV, và nhu cầu của cha mẹ cần giao tiếp nhiều hơn với con trẻ.

Ý tưởng xây dựng các buổi phát thanh đã được vạch rõ trong ấn phẩm Kịch truyền thanh nhằm thay đổi hành vi để Phòng chống HIV/AIDS: hướng dẫn đào tạo nhà báo và cán bộ phát thanh truyền hình, được Trung tâm truyền thông dân số (PMC) biên soạn. Đây là phương pháp nhằm thay đổi về mặt xã hội sử dụng phương pháp Sabido với hình thức phát kịch truyền thanh/truyền hình dài tập mang tính giải trí kết hợp với giáo dục trên cách kênh truyền thông đại chúng. Đây là phương pháp do Miguel Sabido xây dựng. Nguyên tắc của phương pháp Sabido là yếu tố quan trọng nhất trong giải trí-giáo dục chính là giải trí. Việc sản xuất có thể chia thành hai phần ví dụ như kịch thay đổi số phận và con người, sau đó sẽ tập trung vào nội dung mang tính xã hội và các mô hình mẫu nhằm thay đổi hành vi mong muốn.

Khát vọng sống được UNFPA tài trợ với kinh phí từ Tổ chức Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA). Bấm vào đây để xem thông cáo báo chí đầy đủ bằng Tiếng Anh hoặc Tiếng Việt. Để tìm hiểu thêm về chương trình này và tải các tập kịch về, xin vào trang Web của Đài tiếng nói Việt Nam http://www.vov.org.vn.

  1. Giải pháp giáo dục mang tính toàn diện

Chương trình phối hợp Liên hợp quốc về HIV tại Việt Nam tập trung vào giáo dục về HIV, nâng cao năng lực thể chế, hỗ trợ giáo dục về SKSS và phòng chống HIV tại các trường trung học cơ sở đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan tới kỳ thị và phân biệt đối xử trong phát triển chính sách và các chương trình can thiệp. Trong sáng kiến này, UNICEF, UNFPA và UNESCO sẽ cùng phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo. Trước đây vấn đề này chưa được phối hợp và còn rời rạc. Sáng kiến lần này sẽ tìm cách hệ thống lại các can thiệp chống kỳ thị và phân biệt đối xử với sự tập trung cụ thể vào vấn đề phòng chống.

Các hoạt động chủ yếu bao gồm:

  1. Hỗ trợ Bộ giáo dục và Đào tạo xây dựng “cơ chế phối hợp” để có thể có các biện pháp can thiệp mang tính toàn diện trong lĩnh vực giáo dục.
  2. Hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chiến lược ngành về phòng chống HIV
  3. Hỗ trợ xác định các ưu tiên về HIV trong giáo dục trung học (coi đây là một phần khi thực hiện Chương trình hành động về giáo dục HIV và SKSS cho học sinh trung học.
  4. Xây dựng và ban hành các tài liệu dạy và học cơ sở về SKSS và HIV cho các bộ phận giáo dục khác như dạy nghề và giáo dục không chính quy.
  5. Xây dựng các khung về giám sát đánh giá cho giáo dục về SKTD/SKSS và HIV cho vị thành niên, đảm bảo sự gắn kết với các khung Giám sát đánh giá quốc gia về HIV.
  6. Xây dựng và phổ biến các hướng dẫn thực hiện và giám sát Luật HIV trong lĩnh vực giáo dục.

Để có thêm chi tiết xin tham khảo Hỗ trợ của Liên hợp quốc cho Bộ Giáo dục Đào tạo nhằm xây dựng chương trình giáo dục mang tính toàn diện về HIV và AIDS giai đoạn 2008 - 2010.

6. Sự tham gia của UNFPA trong nỗ lực chung về phòng chống HIV ở Việt Nam

Nguyên tắc “Ba MỘT”

Nguyên tắc “Ba MỘT” đề cập tới các nguyên tắc được nhóm làm việc thống nhất năm 2003 tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 13 về phòng chống AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục tổ chức tại châu Phi với mục đích xây dựng sự phối hợp của các quốc gia trong phòng chống HIV/AIDS. Khi các nỗ lực toàn cầu về phòng chống đại dịch AIDS gia tăng, các quốc gia có nguồn lực hạn chế gặp phải rất nhiều khó khăn khi giải quyết các nhu cầu chồng chéo của nhiều nhà tài trợ với các hệ thống đa báo cáo trong khi đó cán bộ có trình độ lại ngày càng mai một. Các nguyên tắc đó như sau:

  • Một cơ cấu hoạt động thống nhất về HIV/AIDS là cơ sở phối kết hợp cho tất cả các đối tác.
  • Một cơ quan điều phối quốc gia về AIDS với sự ủy quyền tham gia đa ngành.
  • Một hệ thống giám sát đánh giá cấp quốc gia thống nhất.

Để có thêm chi tiết, xin tham khảo:http://www.unaids.org/en/CountryResponses/MakingTheMoneyWork/ThreeOnes/

 

Thông tin này có hữu ích đối với bạn không? Có (0) Không (0)

Bình luận (0)

Loading...

Bài viết tương tự

Đối tác của chúng tôi