Kết quả 15 năm thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của việt nam

Sáng ngày 21/9/2015, tại hà nội đã diễn ra lễ công bố báo cáo quốc gia “kết quả 15 năm thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của việt nam” hướng tới mục tiêu phát triển bền vững – vì một thế giới không ai bị bỏ lại phía sau dưới sự chủ trì của thứ trưởng bộ kế hoạch và đầu tư nguyễn chí

Chính phủ Việt Nam luôn xác định việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ là mục tiêu quốc gia, có tầm quan trọng đặc biệt và liên quan đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội, lấy việc cải thiện điều kiện sống của con người làm trọng tâm. Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, cách làm phù hợp với hoàn cảnh, phát huy sức mạnh tổng hợp và tham khảo các bài học kinh nghiệm của các nước trong quá trình thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Phát biểu tại Lễ công bố, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh hai nhóm bài học kinh nghiệm chính từ 15 năm thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ: Quốc gia hóa và lồng ghép các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ vào hệ thống các kế hoạch, chương trình, chính sách của quốc gia, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước. Đồng thời, xây dựng mô hình tăng trưởng toàn diện, kết hợp phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, phát triển vì người nghèo. 8 mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ mà Việt Nam đã ký cam kết với LHQ gồm: Xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói; Phổ cập giáo dục tiểu học; Bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ; Giảm tử vong ở trẻ em; Tăng cường sức khỏe bà mẹ; Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch nguy hiểm; Đảm bảo bền vững môi trường; Thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì mục đích phát triển. Trong 8 Mục tiêu trên, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn 3 mục tiêu (Xóa bỏ tình trạng nghèo cực cùng, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận các mục tiêu còn lại.

Toàn cảnh Lễ công bố.
Ảnh: Mai Phương (MPI Portal)

Tại Lễ công bố, bà Pratibha Mehta cho biết, “rất ít quốc gia” đạt được kết quả như Việt Nam và nhấn mạnh, Việt Nam đạt được những thành tựu này là nhờ sự nỗ lực hành động của cả nước theo hướng thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Một trong những điểm mạnh của các Mục tiêu này là được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm thực tế của cuộc sống. Những thành tựu thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ tại Việt Nam đã tạo ra những thay đổi hết sức to lớn cho cuộc sống của người dân.

Theo Báo cáo, khoảng 43 triệu người hay 45% tổng dân số Việt Nam đã thoát khỏi nghèo đói. Tỷ lệ nhập học bậc tiểu học đạt đến 99% trẻ em đúng độ tuổi đến trường, tỷ lệ đến trường của trẻ em gái và trẻ em trai nhìn chung đã ngang bằng nhau. Điều này cho thấy sự phân biệt đối xử về giới tính đang được từng bước loại bỏ trong hệ thống giáo dục. Tỷ lệ tử vong ở bà mẹ liên quan đến thai sản đã giảm được ba phần tư.

Các điều kiện ở Việt Nam đang thay đổi và sẽ tiếp tục thay đổi trong quá trình Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Cụ thể, những áp lực cho bình đẳng xã hội, bảo vệ môi trường và làm tăng tình trạng dễ bị tổn thương có thể sẽ mạnh hơn. Điều này cần có phản hồi chính sách tích cực hơn và khác hơn nhằm tác động, khuyến khích và định dạng lối ứng xử của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Đồng thời, cần thực hiện song song với việc phát triển quan hệ đối tác và chịu trách nhiệm chung. Đây là ý tưởng lớn được đưa vào các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Một bài học then chốt rút ra từ kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam là Nhà nước không thể thành công trong việc bảo đảm phát triển quốc gia nếu không tạo dựng quan hệ đối tác mới với doanh nghiệp, xã hội dân sự và cộng đồng quốc tế. Điều này không chỉ là quan hệ đối tác dưới hình thức tham vấn mà còn trong nỗ lực thực hiện và quan trọng nhất là cung cấp nguồn lực cho thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Trong những năm tới đây, các nguồn viện trợ và tài trợ ưu đãi có xu hướng giảm xuống trong khi kỳ vọng của người dân lại tăng lên. Do đó, quan trọng là Chính phủ bảo đảm huy động được các nguồn lực trong nước, thông qua các kênh công và tư.

Bà Pratibha Mehta khẳng định rằng LHQ luôn sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân Việt Nam nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và tiếp tục đạt được những thành tựu mới có ý nghĩa đột phá, hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững – Vì một thế giới không ai bị bỏ lại phía sau.

Tải Báo cáo Quốc gia: Kết quả 15 năm thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ của Việt Nam tại đây:

Báo cáo tiếng Việt: KQ 15 năm thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ
Báo cáo tiếng Anh: 15 years achieving the Vietnam Millennium Development goals

Theo Minh Trang - Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thông tin này có hữu ích đối với bạn không? Có (0) Không (0)

Bình luận (0)

Loading...

Bài viết tương tự

Đối tác của chúng tôi