Nghiên cứu đã phát hiện một số lượng nạn nhân trẻ em trai bị mua bán nghiên cứu này đưa ra một số bằng chứng ban đầu khẳng định rằng tình trạng mua bán trẻ em trai có xảy ra ở việt nam, cả trong nước và ra nước ngoài.
Báo cáo này là báo cáo nghiên cứu về tình hình mua bán trẻ em trai tại Việt Nam là hoạt động thuộc dự án thành phần tại Tổng cục Thống kê (TCTK) do tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) thực hiện trong khuôn khổ Chương trình chung về bình đẳng giới trong 3 năm. Mặc dù những nghiên cứu, bằng chứng và tài liệu truyền thông trước đây đã nhận định rằng có nhiều trường hợp trẻ em trai bị mua bán ở Việt Nam (cả trong nước và xuyên biên giới) cho mục đích bóc lột tình dục, làm con nuôi và lao động cưỡng bức, nhưng có rất ít nghiên cứu tập trung vào vấn đề mua bán trẻ em trai.
Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm góp phần vào mục tiêu lớn hơn là thừa nhận tình trạng và nguy cơ của trẻ em trai bị mua bán và đáp ứng một cách đầy đủ trong các khung pháp lý, chính sách và thể chế liên quan đến mua bán người của Việt Nam. Những mục đích của nghiên cứu là đánh giá nhận thức của chính quyền địa phương và cộng đồng và cách thức giải quyết vấn đề mua bán trẻ em trai, xác định các hình thức mua bán trẻ em trai, các yếu tố dẫn đến tình trạng dễ bị tổn thương của trẻ (đặc biệt là các khái niệm về giới) và các loại hình mua bán trẻ em trai cũng như ghi lại những trải nghiệm của nạn nhân trong quá trình bị mua bán, trở về, phục hồi và tái hòa nhập.
Công tác thu thập số liệu được thực hiện tại 12 tỉnh và thành phố ở Việt Nam, từ tháng 10 năm 2010 đến tháng 11 năm 2011. Tổng số 82 em trai là nạn nhân bị mua bán đã được phỏng vấn trong nghiên cứu này. 285 người lớn cũng tham gia phỏng vấn gồm: cha mẹ, họ hàng, cán bộ xã hội và bạn bè của các em nhằm có được bức tranh tổng thể cũng như tìm hiểu sâu về từng trường hợp. Nghiên cứu đã phát hiện một số lượng nạn nhân trẻ em trai bị mua bán Nghiên cứu này đưa ra một số bằng chứng ban đầu khẳng định rằng tình trạng mua bán trẻ em trai có xảy ra ở Việt Nam, cả trong nước và ra nước ngoài. Trẻ em trai bị mua bán nhằm mục đích bóc lột lao động, làm ăn xin và bán rong trên đường phố, hành nghề/bóc lột tình dục và nhận con nuôi. Mặc dù báo cáo này đã phát hiện các trường hợp trẻ em trai bị mua bán nhưng trong hệ thống báo cáo chính thức của chính quyền địa phương lại không có trường hợp mua bán trẻ em trai nào hoặc không có số liệu thống kê chính thức về tình hình này. Hiểu biết của chính quyền địa phương và cộng đồng về mua bán trẻ em trai còn thấp Chính quyền địa phương có nhận thức không đầy đủ về tình hình mua bán người, đặc biệt là mua bán trẻ em trai. Trong khi các cán bộ của tổ chức phi chính phủ quốc tế và Việt Nam và cán bộ Trung ương nhận thấy có tình trạng mua bán người trong nước, chỉ một số cán bộ cấp cơ sở cho rằng mua bán người không chỉ bao gồm mua bán qua biên giới, mà còn bao gồm các trường hợp mua bán trong phạm vi quốc gia (mua bán trong nước). Nhiều cán bộ cho rằng các trường hợp mua bán người chỉ đơn thuần là bóc lột lao động hoặc trẻ em dưới tuổi lao động tối thiểu phải làm việc (dưới 15 tuổi). Tương tự, kết quả đánh giá cho thấy nhận thức của cộng đồng về tình hình mua bán trẻ em trai còn thấp. Họ cho rằng mua bán người chỉ là mua bán phụ nữ và trẻ em gái, chứ không có tình trạng mua bán trẻ em trai. Hiểu biết của trẻ em trai cũng như cha mẹ các em về di cư an toàn và nhận thức của họ về mua bán trẻ em trai còn rất hạn chế, vì vậy các em không chuẩn bị kĩ trước khi đi. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân thường chấp nhận bị bóc lột chừng nào họ còn được trả thù lao mà không cho rằng mình đang trong tình trạng bị bóc lột. Những trẻ em và gia đình được phỏng vấn đều cho rằng những hành vi lừa gạt và bóc lột lao động chỉ là bị lừa hoặc lạm dụng.
Đặc điểm nạn nhân trẻ em trai bị mua bán
Chúng tôi đã phỏng vấn 82 nạn nhân từ 18 tỉnh, thành phố điểm đi trên phạm vi cả nước từ Bắc tới Nam, bao gồm 35 em ở miền Bắc, 25 em ở miền Trung và 22 ở miền Nam. 61 trường hợp là mua bán trong nước, còn lại 21 trường hợp là mua bán qua biên giới. Trung Quốc là điểm đến của hầu hết các trường hợp mua bán qua biên giới (20 trên tổng số 21 trường hợp). Chỉ có một trường hợp là em trai bị mua bán sang Campuchia. Với các trường hợp mua bán trong nước,điểm đến chính là thành phố Hồ Chí Minh (54 trường hợp).
Phần lớn nạn nhân (69 em) xuất thân từ các vùng nông thôn. Trong số 82 nạn nhân đã được xác định, 27 em có tuổi từ 16 đến 18 và 27 trường hợp bị mua bán lúc các em trong độ tuổi 11 đến 15, và 17 trường hợp dưới 6 tuổi. Trung bình, mỗi gia đình của nạn nhân bị mua bán có 5,3 người, trong khi số lượng thành viên trung bình của một hộ gia đình theo Tổng điều tra dân số năm 2009 của TCTK ở Việt Nam là 3,8. Trong số 82 nạn nhân (phần lớn các em đều dưới 18 tuổi tại thời điểm bị mua bán), 22 nạn nhân trên 18 tuổi và 4 em đã có gia đình tại thời điểm nghiên cứu, trong khi tại thời điểm bị mua bán, chưa em nào lập gia đình. Phần lớn nạn nhân (59 em) là dân tộc Kinh và 23 em còn lại thuộc về các dân tộc thiểu số. Hầu hết các em bỏ học trước khi bị mua bán, và chỉ một số ít (4 em) vừa đi học vừa hoạt động mại dâm. Các em chủ yếu học cấp 2 tại thời điểm rời nhà ra đi. Ngoại trừ trẻ sơ sinh và các trường hợp bị bắt cóc, các nạn nhân không có kinh nghiệm làm việc và không đi làm trước khi di cư. Các thủ đoạn tuyển dụng, vận chuyển và bóc lột
Nghiên cứu đánh giá trên 82 trường hợp nạn nhân là trẻ em trai, trong đó 30 em bị bóc lột lao động, 5 em bị bóc lột để bán hàng rong, 24 trường hợp bị bóc lột tình dục, 10 trường hợp bị bắt cóc, 10 trường hợp nhận nuôi trẻ sơ sinh và 3 trường hợp không rõ mục đích hoặc “đang trong quá trình chuẩn bị mua bán”.
Các yếu tố góp phần đẩy trẻ em trai vào quá trình di cư và làm tăng nguy cơ các em bị mua bán bao gồm nhu cầu kiếm thêm thu nhập và thiếu cơ hội việc làm ở địa phương, thiếu cơ hội học tập và thiếu hỗ trợ từ phía gia đình. Bên cạnh đó, cha mẹ và các em đều thiếu hiểu biết về di cư an toàn cũng như tình hình mua bán trẻ em, đồng thời nhận thức về các quyền của họ với tư cách là nạn nhân đã khiến các em rơi vào cạm bẫy của những kẻ mua người. Với các trường hợp bị bắt cóc và mua bán trẻ sơ sinh, có nhiều yếu tố thúc đẩy, như tình trạng mất cân bằng giới kéo dài có thể coi là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn của tình trạng mua bán trẻ sơ sinh trong nước cũng như ra nước ngoài. Các yếu tố này bao gồm phân biệt nam nữ, trọng nam khinh nữ và hậu quả là vị thế của phụ nữ và trẻ em gái không cân bằng với nam giới. Hầu hết trẻ em trai bị mua bán cho mục đích bóc lột lao động và tình dục thường bị dụ dỗ bằng việc hứa hẹn sẽ có được công việc tốt với lương cao, thông qua mối quan hệ gia đình hoặc cộng đồng (không chính thức). Khác với hình thức mua bán trẻ em trai khác, những mánh khóe của kẻ bắt cóc trẻ em thường là sử dụng vũ lực để kiểm soát người lớn, thậm chí đe dọa giết cha mẹ của trẻ và bắt đứa trẻ khỏi gia đình. Họ hàng hoặc thành viên thân thích trong gia đình cũng bị lợi dụng để lừa bắt cóc nạn nhân. Xe khách là phương tiện giao thông chính được những kẻ môi giới hoặc kẻ mua bán người sử dụng để di chuyển. Trong khi các trường hợp bóc lột lao động thường là sự di chuyển theo nhóm thì trẻ sơ sinh thường bị cá nhân mang đi đơn lẻ để tránh nghi ngờ từ chính quyền địa phương và công an. Kẻ vận chuyển trẻ sơ sinh thường là những phụ nữ đang cho con bú. Nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài thường bị những kẻ môi giới hoặc mua bán dẫn qua biên giới một cách bất hợp pháp mà không có giấy tờ tùy thân. Với các trường hợp trẻ em trai bị mua bán cho mục đích bóc lột lao động, không những bị mua bán qua biên giới, các em còn bị mua bán trong nước để làm ăn xin, làm việc trong các xưởng may tư nhân, hoặc các lò gạch. Phần lớn các em bị bóc lột lao động phải làm việc từ 6 đến 7 ngày một tuần và mỗi ngày làm hơn 8 tiếng, một số trường hợp phải làm 12 đến 16 tiếng mỗi ngày. Một số em tự nguyện chấp nhận nếu được trả lương. Các em cho rằng chỉ khi không được trả tiền ngoài giờ thì mới bị coi là mình bị bóc lột. Điều kiện làm việc hết sức khắc nghiệt, nhưng không ai trong số các em được trả thêm thù lao. Một số em còn kể rằng thậm chí các em không được phép ăn trưa, hoặc chỉ được ăn trong thời gian rất ngắn, hay chỉ thỉnh thoảng được ăn bữa tối (mì gói).Phần lớn các em phải ngủ trên sàn nhà, ngay tại chỗ làm việc. Với nhóm các em trai bị mua bán vì mục đích bóc lột tình dục, hầu hết các em đã di cư đến những thành phố lớn mà chưa xác định được sẽ làm công việc gì. Các em bị lừa gạt và ép buộc tham gia vào các hoạt động mại dâm và sau đó là bị đưa đến và bán hoặc giới thiệu cho các nhà chứa. Các em trai làm nghề mại dâm phải làm 7 ngày trong tuần, và sẵn sàng phục vụ khách trong 24 tiếng.Trung bình một ngày, mỗi em phục vụ từ 2 đến 4 khách hoặc hơn. Các hình thức bạo lực như bạo lực thể chất, lạm dụng, hạn chế tự do đi lại, lao động gán nợ, không trả lương, điều kiện sống và làm việc có tính chất bóc lột – làm tăng thêm nguy cơ mắc bệnh và đẩy các em vào tình trạng bị mua bán.
Trải nghiệm của nạn nhân trong quá trình bị mua bán, trở về, phục hồi và tái hòa nhập
Phần lớn trẻ em trai bị mua bán được các cơ quan chính quyền (các cơ quan làm về phòng chống mua bán người cũng như bảo trợ trẻ em) hoặc các dự án phòng chống lao động trẻ em phát hiện và giải cứu. Chỉ có các trường hợp ở Lào Cai (5 em) và Hà Giang (5 em) là các em tự trở về. Một số em kể rằng các em bị cấm không cho đi bằng cách dọa nạt dùng vũ lực, hoặc dọa không trả lương,gán nợ, về tình trạng bất hợp pháp và không quen biết ai để tìm sự giúp đỡ. Tất cả nạn nhân được giải cứu đều được hỗ trợ tiền để trở về nhà như tiền đi lại và tiền ăn. Hầu hết các trường hợp mua bán trong nước cho mục đích bóc lột lao động được chuyển đến Trung tâm Bảo trợ Xã hội, hoặc Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề cho Thanh niên, cũng như các Trung tâm Tiếp nhận và Đánh giá nạn nhân. Ở những trung tâm này, nạn nhân sẽ được ở chỗ an toàn,được khám sức khỏe và tư vấn cũng như được ăn uống trước khi họ trở về nhà. Tất cả các trường hợp mua bán trong nước từ Huế đều được nhận hỗ trợ để tiếp tục đi học, như học phí, sách vở, trợ cấp và gạo. Trẻ trên 16 tuổi được đào tạo dạy nghề. Năm trường hợp ở Lào Cai đã được nhận hỗ trợ đầy đủ cho nạn nhân bị mua bán trở về, bao gồm tiền trợ cấp cho khó khăn ban đầu, hỗ trợ dạy kĩ năng giao tiếp, trồng trọt và chăn nuôi gia súc, cũng như được tư vấn tâm lý, khám sức khỏe và xét nghiệm HIV tự nguyện. Tuy nhiên, các lựa chọn nghề nghiệp và kĩ năng cần thiết khác nhau cho các em hiện chưa phù hợp với thị trường việc làm. Phần lớn các em nạn nhân tự trở về hầu như không nhận được hỗ trợ ban đầu từ các cơ quan nhà nước.
Các vấn đề về giới
Trẻ em trai thường được cho là có tính phiêu lưu hơn, mạnh mẽ hơn, dũng cảm hơn và ít có nguy cơ bị mua bán hơn các em gái. Tuy nhiên, các em trai lại không ý thức được về nguy cơ bị lạm dụng hoặc bóc lột tình dục hay lao động. Những yếu tố này đã khiến cho trẻ em trai dễ bị bóc lột và mua bán, vì các em thường có xu hướng đi chơi nhiều hơn các em gái và đi ra khỏi khu vực sinh sống để đến những nơi khác mà không có sự chuẩn bị chu đáo. Khi các em trai bị mua bán, các em ít bị người dân cộng đồng phân biệt hơn các em nữ vì mua bán người vẫn được cho là chỉ cho mục đích bóc lột tình dục, khi ấy người ta không cho rằng trẻ em trai cũng có nguy cơ bị bóc lột tình dục.
Những kết luận chính
- Nhận thức của chính quyền địa phương ở cấp cơ sở và cộng đồng về mua bán trẻ em trai, đặc biệt là cho mục đích bóc lột lao động và tình dục còn hạn chế;
- Trẻ em trai cũng đối mặt với những nguy cơ bị bóc lột và mua bán. Mua bán trẻ em trai có xảy ra ở Việt Nam cả ở trong nước và ra nước ngoài. Trẻ em trai bị mua bán cho mục đích bóc lột lao động, làm ăn xin và bán rong trên đường phố, tham gia hoạt động mại dâm/ bóc lột tình dục và cho làm con nuôi;
- Còn những hạn chế trong việc xác định và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trong nước và nạn nhân bị bán ra nước ngoài tự trở về, về mặt cơ sở hạ tầng, tài chính, đào tạo và nguồn lực cho các trường hợp chuyển tuyến khẩn cấp. Để đảm bảo khung pháp lý, chính sách và thể chế, để giải quyết được tình trạng và sự tổn thương của nạn nhân trẻ em trai bị mua bán nói riêng và phụ nữ, trẻ em gái và nam giới nói chung ở Việt Nam một cách thấu đáo, chúng tôi đề xuất một số các khuyến nghị sau đây:
Các khuyến nghị
- Tăng cường chương trình truyền thông và giáo dục để phòng chống mua bán người và tăng cường di cư an toàn: các chiến dịch truyền thông tại các cộng đồng điểm đi được thiết kế nhằm thúc đẩy và đẩy mạnh di cư an toàn. Các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cần tránh cụm từ “mua bán” vì nó thường được hiểu rộng rãi là chỉ bao gồm trẻ em gái và các yếu tố vận chuyển ra ngoài biên giới…Bên cạnh đó, kiến thức về di cư an toàn để tránh bị bóc lột lao động và tình dục cần tập trung vào đối tượng là trẻ em trai và gia đình (đặc biệt là các em bỏ học) từ những vùng kinh tế xã hội yếu kém và đặc biệt chú ý tới các cộng đồng dân tộc thiểu số. Cần phải giúp trẻ em và gia đình hiểu về Quyền lợi của người lao động/Luật lao động và bình đẳng giới. Tổ chức giáo dục và tập huấn cho thanh niên là cần thiết để giải quyết vấn đề về di cư an toàn và mua bán người. Cần xây dựng các dự án/can thiệp cụ thể, theo dân tộc để giải quyết những nguy cơ cho nhóm dân tộc thiểu số liên quan đến di cư và các loại hình nguy cơ bị mua bán khác.Nhiều phụ nữ khi mang thai ngoài ý muốn không biết làm thế nào để cho con nuôi. Các thông tin và dịch vụ tư vấn về các phương án thay thế cho việc cho nhận con nuôi hợp pháp cần phải được cung cấp đầy đủ hơn tại các bệnh viện.
- Tăng cường giáo dục và đẩy mạnh việc thực thi Luật mới về phòng, chống mua bán người: Cần tổ chức truyền thông nhiều hơn nữa tới đối tượng là các cán bộ nhà nước để họ có thể hiểu về mục đích của mua bán người, phải kể đến yếu tố mục đích bóc lột của mua bán người thường là cho các trường hợp mua bán người trong nước nói chung và nạn nhân là trẻ em trai nói riêng. Hệ thống giám sát thường xuyên về Luật lao động ở điểm đến để phòng chống bóc lột trẻ em.Cần có hệ thống biểu mẫu báo cáo thống nhất để thu thập số liệu của từng trường hợp cụ thể để cung cấp cho các Bộ, ban ngành có liên quan. Vai trò và trách nhiệm cần phải làm rõ.
- Tăng cường hệ thống bảo vệ trẻ em tại điểm đến: Cần có sự tham gia của cộng đồng vào quá trình giám sát và phát hiện các trường hợp lao động trẻ em và bóc lột lao động như trẻ em bị bóc lột trong các xưởng sản xuất may tư nhân hoặc các xưởng khác. Cần giám sát chặt chẽ tại địa phương để phát hiện và giải cứu trẻ em bị mua bán nói chung và trẻ em trai sơ sinh nói riêng.
- Xây dựng chương trình hồi hương và tái hòa nhập cùng các dịch vụ để giải quyết các nhu cầu của nạn nhân là trẻ em trai: Với từng trường hợp bị mua bán trở về, cần phải tiến hành đánh giá toàn bộ, và chuyển tuyến tới các dịch vụ phù hợp nhằm đảm bảo hỗ trợ cho trẻ em trai bị mua bán là phù hợp với nhu cầu của các em. Các chính sách về hỗ trợ nạn nhân tự trở về cũng cần được xem xét xây dựng. Cán bộ làm công tác hỗ trợ các em trai bị mua bán trở về và tái hòa nhập về các vấn đề nhạy cảm, văn hóa và tâm lý của các em cần được tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn trong việc giải quyết đúng nhu cầu cho các em trai. Cần thiết lập một giải pháp dễ tiếp cận và nhanh chóng để hỗ trợ, giải cứu và chuyển tuyến cho nạn nhân bị mua bán, ví dụ như thiết lập đường giây nóng. Thông tin về đường dây nóng cần được truyền tải rộng rãi để người dân và trẻ em biết đến và nhớ được số điện thoại. Đường dây nóng cũng cần có nguồn lực và mạng lưới phù hợp để cung cấp hỗ trợ và chuyển tuyến nạn nhân kịp thời khi cần.
- Xây dựng chương trình phòng chống HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, lạm dụng và nghiện ma túy trong nhóm mại dâm nam: Tập trung vào nhóm đối tượng mại dâm nam, đặc biệt là thanh niên và trẻ em trai, có thể thông qua các chương trình giáo dục đồng đẳng để nâng cao hiểu biết của các em về HIV, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, lạm dụng và nghiện ma túy. Các dịch vụ tư vấn tự nguyện, dịch vụ xét nghiệm và xử lý các bệnh lây qua đường tình dục cần được tăng cường hơn nữa để có thể tiếp cận và hỗ trợ nhóm mại dâm nam, đặc biệt là những em đang ở trong tình trạng bị bóc lột.
- Các lĩnh vực nghiên cứu thêm: Cần có thêm một nghiên cứu trong đó việc chọn mẫu mang tính đại diện hơn đối với các đối tượng đã bị mua bán cho mục đích bóc lột tình dục để tìm hiểu them về vấn đề này. Cần tiến hành nghiên cứu sâu hơn nhằm hiểu rõ lý do/nguyên nhân thúc đẩy các em nam làm mại dâm, làm thế nào và vì sao các em lại chọn công việc này. Nghiên cứu này chưa bao gồm nhóm đối chứng (so sánh) - Nhóm các trẻ em di cư nhưng không bị mua bán hoặc các em không di cư, nên chưa so sánh được các yếu tố thúc đẩy và (được hiểu) hoàn cảnh kinh tế-xã hội với những trẻ bị mua bán. Vì vậy nghiên cứu thêm cần tập trung vào vấn đề này. Bên cạnh đó, nghiên cứu thêm là cần thiết, đồng thời tiến hành theo từng dân tộc, thay vì gộp các nhóm dân tộc thiểu số thành một nhóm đồng nhất. Nghiên cứu và phân tích các văn bản pháp luật và chính sách có liên quan đến mua bán trẻ em để góp phần xây dựng khuyến nghị và chính sách cho việc phát hiện theo dõi và hỗ trợ các trường hợp bị mua bán hiện chưa được hỗ trợ từ các chính sách hiện hành.
Tải Báo cáo Nghiên cứu về mua bán trẻ em trai ở Việt Nam tại đây:
Báo cáo tiếng Việt: |
|
Báo cáo tiếng Anh: |
Bình luận (0)
Loading...