GFDC có nhu cầu tuyển dụng 03 chuyên gia phản biện độc lập là rà soát Dự thảo Báo cáo nghiên cứu “Nhu cầu, khả năng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của lao động làm việc ở khu vực phi chính thức tại Việt Nam
Chính phủ Việt Nam đã đặt hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) làm trọng tâm trong kế hoạch mở rộng an sinh xã hội. Một trong những cách làm đó là cải thiện độ bao phủ của BHXH tự nguyện tới các nhóm lao động phi chính thức. Sau 11 năm thực hiện BHXH tự nguyện, tính đến cuối năm 2018 cả nước có 270 nghìn người tham gia, chiếm khoảng 1,8% tổng số người tham gia BHXH, tương đương với khoảng 0,55% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi lao động.
Trong khi đó, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương đặt ra mục tiêu đến năm 2030, đề ra có 5% LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện, tương đương với khoảng 2,69 triệu người. Điều này đồng nghĩa với việc bình quân mỗi năm cần phát triển thêm trên 200,000 người tham gia mới. Như vậy, nếu không có những chính sách đột phá, việc hoàn thành mục tiêu mà Trung ương đặt ra là một thách thức không nhỏ trong bối cảnh hiện nay.
Có nhiều nguyên nhân đưa ra lý giải cho thực trạng đối tượng tham gia còn thấp. Trong đó thời gian qua, một số kết quả nghiên cứu cũng ghi nhận ý kiến của một bộ phận người dân cho rằng chế độ BHXH tự nguyện hiện nay thiếu hấp dẫn vì chỉ có chế độ hưu trí và tử tuất (người dân phải đóng góp và chờ đợi quá lâu để hưởng chế độ); theo đó, đề nghị Nhà nước xem xét, bổ sung các chế độ ngắn hạn (ví dụ ốm đau, thai sản, trợ cấp nuôi con nhỏ) để gắn với quyền lợi “sát sườn” của người dân hơn, điều này sẽ làm tăng tính hấp dẫn của chính sách.
Với mong muốn đánh giá nhu cầu, khả năng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của lao động làm việc ở khu vực phi chính thức, Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng (GFCD) được hỗ trợ tài chính từ Tổ chức Oxfam để thực hiện Nghiên cứu: “Nhu cầu, khả năng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của lao động làm việc ở khu vực phi chính thức tại Việt Nam”. Nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm nghiên cứu độc lập. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích đánh giá nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của nhóm lao động làm việc trong khu vực phi chính thức tại Việt Nam; Xác định và phân tích các yếu tố ảnh hưởng hoặc rào cản cản trở việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của lao động làm việc trong khu vực phi chính thức; Đề ra khuyến nghị chính sách nhằm điều chỉnh hoặc tăng cường hiệu quả thực hiện các quy định của Luật bảo hiểm xã hội, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của lao động làm việc trong khu vực phi chính thức.
Để giúp nhóm chuyên gia nghiên cứu cải thiện chất lượng nghiên cứu, GFCD mời 03 chuyên gia phản biện độc lập góp ý cho Bản dự thảo báo cáo nghiên cứu. Mục đích của việc góp ý nhằm giúp nhóm tư vấn thực hiện nghiên cứu cải thiện chất lượng nghiên cứu. Các phần tiếp theo mô tả rõ hơn về yêu cầu, nhiệm vụ và kết quả mong đợi đối với chuyên gia phản biện độc lập.
Xem chi tiết trong TOR dưới đây: