Hiện nay, dòng dịch chuyển của lao động di cư đã và đang là xu thế toàn cầu, tạo ra không ít thách thức cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội (asxh) và bảo đảm quyền lợi cho người lao động. việc xây dựng các chính sách asxh cho lao động di cư là một yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết và có thể được thực hiện qua các hiệp định song phương, đa phương cũng như sự nỗ lực của mỗi quốc gia.
Nhiều thách thức
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Việt Nam hiện có 231 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, đây là con số còn rất thấp so với 18 triệu lao động phi chính thức. Theo quy định, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thuộc nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, nhưng thực tế mới chỉ có khoảng 1% số lao động di cư tham gia BHXH…
Tại phiên thảo luận của Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN lần thứ 35 (ASSA 35), với chủ đề "Tự do dịch chuyển lao động tại các nước ASEAN và các nước đang phát triển", Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) Ðinh Duy Hùng cho biết, trong xu thế dịch chuyển lao động, Việt Nam hiện có khoảng 500 nghìn người đi làm việc tại nước ngoài, và con số này tăng lên hàng trăm nghìn người mỗi năm. Tuy nhiên, mới có khoảng 6.000 người trong nhóm đối tượng này tham gia BHXH, trong khi chưa có phương pháp quản lý hiệu quả về BHXH…
Vì vậy, xây dựng các chính sách ASXH cho lao động di cư là yêu cầu cấp thiết, chính đáng và có thể thực hiện được qua các hiệp định song phương, đa phương về ASXH cũng như sự nỗ lực của mỗi quốc gia.
Tại phiên thảo luận, các chuyên gia đều nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự dịch chuyển lao động giữa các quốc gia. Ðây là tín hiệu tích cực của thị trường lao động, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho việc thực hiện các chính sách ASXH và bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Chuyên gia Mô-ha-mét A-man (thuộc Tổ chức ASXH Ma-lai-xi-a) cho rằng, hiện người lao động di cư khi đến làm việc ở một quốc gia khác thường chỉ quan tâm đến tiền lương và điều kiện làm việc, mà không quan tâm nhiều đến việc tham gia các chế độ bảo hiểm, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ðáng chú ý, lao động di cư là nữ đang chiếm tỷ lệ lớn với các công việc thiếu ổn định, thu nhập thấp như giúp việc gia đình, chăm sóc bệnh nhân, lao công, nông nghiệp… Ðiều này đòi hỏi các quốc gia cần nhanh chóng có những giải pháp để thay đổi nhận thức, bảo đảm quyền lợi cho đối tượng lao động di cư. Ðể làm tốt điều này, việc ký các hiệp định song phương, đa phương giữa các quốc gia về BHXH là điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất.
Xây dựng các thỏa thuận song phương, đa phương
Ðể tìm lời giải hiệu quả cho bài toán ASXH đối với lao động di cư, nhiều chuyên gia cho rằng, các quốc gia cần nhanh chóng ký các thỏa thuận song phương, đa phương về bảo vệ lao động di cư. Ðồng thời, cần loại bỏ các quy định về phân biệt đối xử quốc tịch; tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về lao động di cư; giúp đỡ lao động di cư tiếp cận dần với các chính sách ASXH của quốc gia tiếp nhận lao động. Trưởng Văn phòng Tổng Thư ký Hiệp hội ASXH thế giới (ISSA) D.Xờ-rem-mơ cho rằng, người lao động di cư thường làm việc ngắn hạn, nhiều biến động, ít quan tâm đến quyền lợi của mình. Do vậy, công tác thống kê và truyền thông rất quan trọng. Bên cạnh đó, các chính sách cũng cần được thiết kế hấp dẫn hơn; cách tiếp cận đơn giản, thuận tiện hơn thông qua ứng dụng công nghệ thông tin để người lao động di cư dễ dàng tham gia, thụ hưởng các chế độ.
Giám đốc Trung tâm phụ trách các vấn đề quốc tế tại Hàn Quốc (NPS) Kim-dâng-en chia sẻ, để bảo đảm quyền lợi về ASXH cho lao động di cư, các quốc gia cần có hiệp định về ASXH với các quốc gia khác. Như Hàn Quốc hiện có lao động làm việc tại 194 quốc gia; vì vậy, ở Hàn Quốc có Hiệp định ASXH (SSA) ký với các quốc gia có người lao động Hàn Quốc đến làm việc, nhằm giải quyết và bảo đảm các quyền lợi ASXH cho người lao động khi làm việc ở nước ngoài hoặc sau khi về nước.
Theo ông Kim-dâng-en, có người lao động đã làm việc tám năm tại Mỹ và đã nộp thuế ASXH với tổng số tiền 122.400 USD, nhưng do chưa đóng đủ thời gian ít nhất 10 năm để hưởng chế độ hưu trí của Mỹ, cho nên không đủ điều kiện nhận lương hưu. Hay bà Kim làm cho một bệnh viện của Ðức 30 năm và được nhận 1.000 ơ-rô lương hưu từ Ðức, nhưng sau khi quay lại Hàn Quốc thì số tiền lương hưu của Ðức giảm xuống còn 700 ơ-rô. Tương tự, tại châu Á, người lao động ở đây gặp khó khăn trong việc nhận quyền lợi hưu trí từ nước ngoài, vì thời gian được bảo hiểm của họ thường dưới 10 năm. Nếu một người đủ điều kiện nhận lương hưu ở một nước khác, nhưng lại quay lại nước mình, khoản lương hưu đó có thể bị giảm hoặc không được trả về nước đó… Thực tế, nếu không có SSA, sẽ có rất nhiều người lao động bị thiệt thòi khi dịch chuyển lao động. "SSA sẽ giúp loại bỏ bảo hiểm kép, đóng ở cả hai nước, giảm bớt gánh nặng tài chính đối với lao động ở nước ngoài hoặc những người tự làm việc ở nước ngoài. Người lao động đủ điều kiện nhận chế độ hưu trí thông qua tổng thời gian bảo hiểm và bảo đảm rằng công nhân nước ngoài được đối xử bình đẳng với công dân của nước ký hợp đồng…" - ông Kim-dâng-en nhấn mạnh.
Có thể thấy, việc ký các hiệp định về ASXH mang lại lợi ích to lớn cho người di cư. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, để ký được các hiệp định này, còn gặp không ít rào cản, thách thức. Các hiệp định thường mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện, ký kết, nhất là khi một số quốc gia không tìm được tiếng nói chung. Châu Á nói chung và ASEAN nói riêng có rất nhiều hệ thống, mô hình về ASXH với sự khác biệt lớn. Bên cạnh đó, tại nhiều quốc gia, hệ thống ASXH cũng chưa hoàn thiện, độ bao phủ còn thấp, cho nên chưa đủ nguồn lực hoặc thiếu kinh nghiệm trong bảo vệ quyền lợi cho lao động di cư. Vì vậy, các quốc gia trong khu vực cần tiếp tục hoàn thiện chính sách và hệ thống ASXH, nhằm bảo đảm cho người lao động, nhất là lao động di dân và các thành viên gia đình họ được hưởng đầy đủ các quyền lợi chế độ, để dễ dàng thích ứng với yêu cầu chuyển đổi của nền kinh tế, lao động và việc làm dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.
Nguồn: Báo Nhân Dân
Bình luận (0)
Loading...