TUYỂN DỤNG CHUYÊN GIA ĐÁNH GIÁ KẾT THÚC 5 NĂM THỰC HIỆN DỰ ÁN DGD

Dự án “Thúc đấy quyền của Lao động giúp việc gia đình trong tiếp cận an sinh xã hội, lao động, việc làm ở Việt Nam” do Oxfam Bỉ tài trợ và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng (GFCD) thực hiện cùng với đối tác là Hội Liên hiệp phụ

ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU (TOR)

CHUYÊN GIA ĐÁNH GIÁ  KẾT THÚC 5 NĂM THỰC HIỆN DỰ ÁN “THÚC ĐẨY QUYỀN CỦA LAO ĐỘNG GIÚP VIỆC GIA ĐÌNH TRONG TIẾP CẬN AN SINH XÃ HỘI, LAO ĐỘNG VIỆC LÀM TẠI VIỆT NAM”

 

  1. Giới thiệu chung

Dự án “Thúc đấy quyền của Lao động giúp việc gia đình trong tiếp cận an sinh xã hội, lao động, việc làm ở Việt Nam” do Oxfam Bỉ tài trợ và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng (GFCD) thực hiện cùng với đối tác là Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thành phố Hà Nội và 3 quận Cầu Giấy, Thanh Xuân và Hai Bà Trưng trong giai đoạn 2017-2021.

Mục tiêu chung của dự án là:Thúc đẩy quyền của LĐGVGĐ trong việc tiếp cận an sinh xã hội (ASXH), lao động và việc làm ở Việt Nam’

Mục tiêu cụ thể: “Ít nhất 1.500 LĐGVGĐ trong địa bàn dự án có thể thực hành quyền và tiếp cận an sinh xã hội, lao động và việc làm”

Dự án được xây dựng với 3 kết quả mong đợi sau:

  • Kết quả 1: Lãnh đạo của 15 CLB LĐGVGĐ có khả năng tập hợp và đại diện cho tiếng nói của LĐGVGĐ

Để đạt được Kết quả này, GFCD đã phối hợp với Hội LHPN, vận động người sử dụng lao động, lao động giúp việc gia đình (LĐGVGĐ) tại địa bàn dự án thành lập mới 13 CLB LĐGVGĐ và vận hành 2 CLB LĐGVGĐ được thành lập từ dự án trước (tổng cộng 15 CLB). Ban chủ nhiệm CLB gồm 5 thành viên, trong đó chủ nhiệm (thường là cán bộ Hội LHPN) và 2-3 thành viên là lao động giúp việc gia đình nòng cốt. CLB sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần. Nội dung sinh hoạt do Ban chủ nhiệm (BCN) và các thành viên xây dựng với hỗ trợ kỹ thuật của GFCD. Hàng năm Dự án đều tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho BCN và nhóm LĐGVGĐ nòng cốt để duy trì và phát triển CLB. Thành viên các CLB có thay đổi do tính chất di biến động của nghề giúp việc.

  • Kết quả 2: GFCD tăng cường năng lực trong vận động chính sách và hỗ trợ LĐGVGĐ thực hành quyền tiếp cận ASXH, lao động và việc làm

Tổ chức GFCD được tăng cường năng lực thông qua một số hoạt động sau đây: Xây dựng chiến lược phát triển tổ chức, đào tạo và quản lý nhân lực, quản lý tài chính; Củng cố, duy trì và cập nhật trang web gfcd.org.vn, App Lao động giúp việc gia đình trên điện thoại di động, trang fanpage Lao động giúp việc gia đình, và duy trì phần mềm quản lý tài chính và tham gia các khóa tập huấn của Oxfam, Mnet và các tổ chức khác.

Tổ chức và tham gia các hoạt động vận động chính sách liên quan đến quyền lao động, an sinh xã hội cho LĐGVGĐ.

  • Kết quả 3: Các cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng lao động và cộng đồng nâng cao hiểu biết và có hành động cải thiện điều kiện làm việc cho LĐGVGĐ

Nâng cao hiểu biết thông qua tập huấn cho cán bộ lao động xã hội về luật LĐ và nghị định liên quan đến lao động là người giúp việc gia đình; Giám sát và tư vấn ký kết và thực hiện HĐLĐ tại 15 CLB (2 lần/năm) và truyền thông về luật pháp chính sách liên quan thông qua việc hợp tác với một số cơ quan báo chí để đưa tin liên quan đến luật pháp chính sách và hoạt động của dự án cũng như việc tiếp cận các chính sách ASXH của LĐGVGĐ.

Với mong muốn đánh giá những kết quả đạt được và tác động của dự án trong 5 năm từ 2017-2021, để rút ra bài học kinh nghiệm cho các dự án trong tương lai với đối tượng là LĐGVGĐ, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD) thực hiện nghiên cứu đánh giá hoạt động của dự án trên địa bàn 3 quận và các phường dự án tại Hà Nội.

Trong khuôn khổ đánh giá này, GFCD có nhu cầu tuyển dụng nhóm chuyên gia đánh giá gồm 2 vị trí sau (1) chuyên gia về tổ chức cộng đồng: có nhiệm vụ nghiên cứu về mô hình CLB lao động giúp việc gia đình (tập trung vào kết quả 1 của dự án), trong đó phân tích về quy trình các bước thành lập và duy trì nhóm/CLB, đánh giá tính hiệu quả và bền vững của mô hình; đề xuất và gợi ý về chiến lược duy trì bền vững các CLB/Nhóm LĐGVGĐ hiện có; (2) chuyên gia đánh giá dự án: có nhiệm vụ đánh giá tổng thể về tiến độ, các kết quả,hiệu quả và tác động của dự án trong 5 năm 2017-2021.

  1. Mục tiêu đánh giá

Mục tiêu chung của đợt đánh giá kết thúc dự án nhằm đánh giá hiệu quả, tác động và sự bền vững các kết quả hoạt động của dự án trong 5 năm thực hiện (2017-2021), đặc biệt là mô hình CLB LĐGVGĐ và phân tích vai trò của các tổ chức hỗ trợ và các bên liên quan (GFCD, Hội liên hiệp phụ nữ các cấp, Ban chủ nhiệm CLB, nhóm LĐGVGĐ nòng cốt... ) trong quá trình thành lập và duy trì các CLB LĐGVGĐ. Trên cơ sở đó, đưa ra đề xuất nhằm duy trì bền vững cho các CLB/Nhóm sau khi dự án kết thúc.

Nhóm tư vấn sẽ tiến hành đánh giá một số khía cạnh cụ thể sau đây:

  • Tác động: Những tác động cụ thể mà dự án đã tạo ra cho người lao động giúp việc gia đình trên địa bàn thực hiện dự án.
  • Hiệu quả: đo lường mức độ đạt được các mục tiêu và kết quả mong đợi của dự án, góp phần khẳng định các thành tựu đã đạt được và những hạn chế của dự án đạt trong việc đạt mục tiêu và kết quả mong đợi của dự án.
  • Hiệu suất: đánh giá việc phân bổ ngân sách và sử dụng ngân sách theo nguyên tắc chi phí hiệu quả trong việc triển khai thực hiện các hoạt động dự án góp phần đạt được các mục tiêu và kết quả mong đợi đề ra.
  • Sự phù hợp: đánh giá mức độ phù hợp của các hoạt động dự án đối với nhu cầu và mong muốn của người dân được hưởng lợi, mức độ phù hợp của dự án đối với các định hướng của chính quyền địa phương, định hướng của Hội liên hiệp phụ nữ thành phố và chiến lược của nhà tài trợ.
  • Sự bền vững: đánh giá mức độ bền vững của các kết quả và những hoạt động can thiệp của dự án sau khi dự án kết thúc. Đồng thời xem xét mức độ nhân rộng các hoạt động dự án.
  • Bài học kinh nghiệm: thu thập các bài học kinh nghiệm thành công và chưa thành công liên quan đến cách tiếp cận hoặc phương pháp đã được sử dụng để triển khai các hoạt động dự án.
  • Gợi ý cho giai đoạn tiếp theo: phân tích và xác định những khoảng trống, hoặc vấn đề của dự án hiện tại và đưa ra gợi ý định hướng cho giai đoạn tiếp theo.
  1. Phương pháp

Nhóm tư vấn có thể thực hiện kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng, trong đó có một số phương pháp được đề xuất bao gồm:

  • Rà soát tài liệu

Nhóm tư vấn sẽ tiến hành rà soát các tài liệu hiện có, do GFCD cung cấp liên quan đến dự án bao gồm: kế hoạch hoạt động hàng năm, báo cáo kết quả hoạt động dự án định kỳ (06 tháng và báo cáo năm); báo cáo kết quả nghiên cứu, hoặc các đầu hoạt hoạt động lớn của dự án. Mục đích để đánh giá tiến độ và các kết quả đầu ra đã đạt được của toàn bộ dự án. Đánh giá mức độ phù hợp của các hoạt động của dự án với định hướng của chính quyền địa phương hoặc định hướng chính sách về lao động giúp việc gia đình hiện nay.  

  • Phỏng vấn sâu:

Nhóm chuyên gia sẽ thực hiện các cuộc phỏng vấn sâu với một số bên liên quan để thu thập thông tin và phản hồi của họ về tiến độ và kết quả thực hiện dự án. Các bên liên quan có thể cân nhắc thực hiện phỏng vấn sâu bao gồm: 

  • Cán bộ phụ trách GFCD
  • Lãnh đạo Hội LHPN thành phố Hà Nội
  • Cán bộ phụ trách/điều phối dự án thành phố Hà Nội
  • Cán bộ Hội LHPN: 3 quận dự án
  • Cán bộ Hội LHPN các phường dự án
  • Đại diện người lao động giúp việc gia đình là thành viên của Ban chủ nhiệm CLB
  • LĐGVGĐ nòng cốt
  • Lao động giúp việc gia đình là thành viên của các CLB
  • Phỏng vấn bằng bảng hỏi

Nhóm tư vấn có thể sử dụng phương pháp nghiên cứu phỏng vấn bằng bảng hỏi để thu thập thông tin liên quan đến kiến thức, thái độ và thực hành của lao động giúp việc gia đình có được nhờ tham gia các hoạt động của dự án.

  1. Địa bàn đánh giá:

Hoạt động đánh giá được thực hiện tại địa bàn Hà Nội, tập trung ở ba quận gồm Cầu Giấy, Hai Bà Trưng và Thanh Xuân.

  1. Nhiệm vụ cụ thể, đầu ra mong đợi và thời gian thực hiện

Nhóm chuyên gia được tuyển chọn sẽ thực hiện đánh giá trong thời gian 02 tháng (Dự kiến tháng 7 và tháng 8/2021) với sự hỗ trợ của cán bộ GFCD. Một số kết quả mong đợi cụ thể xem chi tiết file đính kèm sau đây:

../../uploads/tiny_uploads/TOR%20chuy%C3%AAn%20gia%20%C4%91%C3%A1nh%20gi%C3%A1%20d%E1%BB%B1%20%C3%A1n%202017-2021-edited.doc

7. Các sản phẩm của chuyên gia

Nhóm chuyên gia sẽ cung cấp các sản phẩm sau:

  • Báo cáo đánh giá kết thúc dự án
  • Bản báo cáo ngắn gọn về quy trình thực hiện câu lạc bộ và khuyến nghị nhân rộng.

 8.Yêu cầu về chuyên môn của tư vấn

Các thành viên nhóm tư vấn được tuyển chọn phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

Chuyên gia 1: Đánh giá mô hình câu lạc bộ

  • Có bằng từ Thạc sỹ trở lên trong lĩnh vực khoa học xã hội, lao động việc làm hoặc các lĩnh vực liên quan;
  • Có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm việc và nghiên cứu trong lĩnh vực lao động việc làm, lao động di cư, an sinh xã hội, giới, bình đẳng giới và các lĩnh vực liên quan;
  • Có hiểu biết, kiến thức về bình đẳng giới, an sinh xã hội, lao động di cư, lao động giúp việc gia đình, luật pháp, chính sách liên quan đến lao động di cư.
  • Có khả năng trình bày ý tưởng và thực hiện ý tưởng.
  • Có khả năng làm việc độc lập và theo nhóm tốt.
  • Biết lắng nghe ý kiến và chỉnh sửa theo góp ý.
  • Có kinh nghiệm tài liệu hóa các bài học kinh nghiệm của dự án đặc biệt là mô hình tổ nhóm.

Chuyên gia 2: Đánh giá dự án

  • Có bằng từ Thạc sỹ trở lên trong lĩnh vực khoa học xã hội, lao động việc làm hoặc các lĩnh vực liên quan;
  • Có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm việc và nghiên cứu trong lĩnh vực lao động việc làm, lao động di cư, an sinh xã hội, giới, bình đẳng giới và các lĩnh vực liên quan;
  • Có hiểu biết, kiến thức về bình đẳng giới, an sinh xã hội, lao động di cư, lao động giúp việc gia đình, luật pháp, chính sách liên quan đến lao động di cư.
  • Có khả năng trình bày ý tưởng và thực hiện ý tưởng.
  • Có khả năng làm việc độc lập và theo nhóm tốt.
  • Biết lắng nghe ý kiến và chỉnh sửa theo góp ý.
  • Có kinh nghiệm làm đánh giá các dự án phát triển.

 9. Thông tin nộp hồ sơ

Tư vấn quan tâm xin gửi hồ sơ ứng tuyền gồm:

  1. Hồ sơ kinh nghiệm (CV) của từng tư vấn
  2. Ít nhất 01 sản phẩm tương tự đã từng làm trước đây.

Thời hạn nhận hồ sơ: Các ứng viên quan tâm xin gửi hồ sơ qua email hoặc thư tay trước 17:00 ngày 10 tháng 6 năm 2021. GFCD chỉ liên hệ những ứng cử viên đạt yêu cầu.

Địa chỉ nhận hồ sơ:

Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD)

Phòng 1608 – Chung cư Bắc Hà Lucky, Số 30 Phạm Văn Đồng

Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

 

Email: gfcd08@gmail.com                

Điện thoại: 0912621895

 

 

Tuyển dụng tương tự

Đối tác của chúng tôi