Tập huấn về quyền trẻ em, phòng ngừa bạo lực giới và bắt nạt trong trường học cho phụ huynh học sinh trường trung học cơ sở tự lập
Nằm trong khuôn khổ Kế hoạch hoạt động Dự án “Phòng ngừa bạo lực giới tại Trung học cơ sở ở Hà Nội”, do Tổ chức Adoptionscentrum (AC) Thụy Điển tài trợ, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD) phối hợp với Trường THCS Tự Lập, huyện Mê Linh, tổ chức khóa tập huấn cho 20 phụ huynh học sinh nòng cốt về bảo vệ trẻ em, quyền trẻ em và phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới trong hai ngày 26 – 27/06/2021 theo hình thức trực tuyến.
Qua tập huấn, các phụ huynh nắm chắc một số kiến thức cơ bản về quyền trẻ em; có khả năng nhận biết các hành vi bạo lực trên cơ sở giới và bắt nạt trẻ em trong trường học, nguyên nhân và hậu quả. Đặc biệt, qua lớp tập huấn này, các phụ huynh đã nhận thức được vai trò và trách nhiệm của cha mẹ trong việc bảo vệ trẻ em tại gia đình và phối hợp với Nhà trường để triển khai thực hiện các hoạt động phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới.
Ảnh 1: Khóa tập huấn diễn ra bằng hình thức trực tuyến qua Zoom.
Xuyên suốt khóa tập huấn, thông điệp “Hãy lắng nghe trẻ” và “Bạo lực sẽ sinh ra bạo lực. Yêu thương sẽ nối tiếp yêu thương” được truyền tải đến các phụ huynh học sinh tham gia tập huấn. Nhờ đó phụ huynh nhận thức được rằng chỉ có sự lắng nghe, sự quan tâm thì cha mẹ mới thật sự hiểu được con cái đang nghĩ gì, nhu cầu của con là gì, từ đó giáo dục con đúng cách.
Tại lớp tập huấn các phụ huynh đã chia sẻ về những quan điểm của mình: “Qua buổi tập huấn, tôi nhận thấy rằng cần thay đổi nhận thức về quyền trẻ em, các bậc phụ huynh cần nhìn lại và thay đổi quan điểm, cách dạy con. Trước tôi hay quát, phạt nếu con mắc lỗi nhưng giờ tôi đã có cái nhìn khác đúng hơn. Trước đó, quyền của các con chưa được đảm bảo, nhất là quyền tham gia thì giờ tôi sẽ rút kinh nghiệm.”
Ảnh 2: Ông Dương Văn Đại – phụ huynh học sinh trường Trung học cơ sở Tự Lập chia sẻ quan điểm tại lớp tập huấn.
Phụ huynh em Hồng 6D có nêu quan điểm: “Tôi thấy rằng không nên dùng roi vọt với con cái, ngày xưa tôi cũng có quát mắng, dùng roi với con nhưng bây giờ tôi nhận ra đó là một sai lầm.”
Ảnh 3: Phụ huynh của học sinh lớp 6D chia sẻ quan điểm.
Hầu hết phụ huynh tham gia lớp tập huấn đều cho rằng cha mẹ cần thay đổi nhận thức về quyền trẻ em, cần đảm bảo các con được thực hiện đầy đủ các quyền của mình. Qua lớp tập huấn, phụ huynh cũng nhận thấy gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong giáo dục trẻ em, đây chính là môi trường giáo dục đầu tiên của mỗi con người. Khóa tập huấn là một bước đệm quan trọng để thực hiện hiệu quả các hoạt động tiếp theo trong Dự án./.
Bình luận (0)
Loading...