Chiến lược phát triển gia đình việt nam: tạo khung chính sách về phát triển gia đình

Chiến lược phát triển gia đình việt nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vừa được thủ tướng chính phủ phê duyệt với mục tiêu xây dựng gia đình việt nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.

Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc vừa là mục tiêu vừa là động lực trong xây dựng đất nước ngày càng hiện đại và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Trên tinh thần đó, ngày 29-5-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 629/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây là quyết định hết sức quan trọng, tạo khung chính sách về phát triển gia đình, giúp gia đình phát triển ngày càng no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Mục tiêu cụ thể

Chiến lược xác định, mục tiêu chung trong giai đoạn này là “xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội”. Ba mục tiêu cụ thể của chiến lược bao gồm:

Trước hết, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình. Với mục tiêu này, các bộ, ngành và các cấp chính quyền cần đầu tư nguồn lực để đạt các chỉ tiêu cơ bản như: Đến năm 2020, đạt 95% trở lên số hộ gia đình được phổ biến, tuyên truyền và cam kết thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, PCBLGĐ, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; 95% số nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình, PCBLGĐ; hằng năm, trung bình giảm từ 10% - 15% số hộ gia đình có bạo lực gia đình, giảm 10% - 15% số hộ gia đình có người mắc tệ nạn xã hội, 15% số hộ gia đình có người kết hôn dưới tuổi pháp luật quy định (khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn giảm 10%).

Mục tiêu thứ hai là kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt đối với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ. Các chỉ tiêu cụ thể cơ bản bao gồm: Đến năm 2020, đạt 85% trở lên (khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn đạt 75% trở lên) số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 95% số hộ gia đình dành thời gian chăm sóc, dạy bảo con, cháu, tạo điều kiện cho con, cháu phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức và tinh thần, không phân biệt con, cháu là trai hay gái; đạt 95% số hộ gia đình thực hiện chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo ông, bà, chăm sóc cha, mẹ, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ; đạt từ 98% trở lên số hộ gia đình có người trong độ tuổi sinh đẻ được tuyên truyền và thực hiện đúng chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, không phá thai vì giới tính của thai nhi.

Mục tiêu thứ ba là nâng cao năng lực của gia đình trong phát triển kinh tế, ứng phó với thiên tai và khủng hoảng kinh tế; tạo việc làm, tăng thu nhập và phúc lợi, đặc biệt đối với các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo theo quy định là mục tiêu thứ 3. Một số chỉ tiêu sau cần đạt vào năm 2020 như: 95% trở lên số hộ gia đình được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật phúc lợi xã hội dành cho các gia đình chính sách, gia đình nghèo; 95% trở lên số hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo được cung cấp kiến thức, kỹ năng để phát triển kinh tế gia đình, ứng phó với thiên tai, khủng hoảng kinh tế; hằng năm, tăng 10% số hộ gia đình, thành viên trong gia đình được thụ hưởng các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục và dịch vụ hỗ trợ gia đình, hỗ trợ thành viên gia đình.

Giải pháp thực hiện

Để thực hiện thành công các mục tiêu của chiến lược trên, nhiều giải pháp cụ thể đã được đề ra. Sau đây là một số giải pháp chủ yếu:

Thứ nhất, đối với công tác lãnh đạo, tổ chức, quản lý, xác định công tác gia đình là một nội dung quan trọng trong các kế hoạch, chương trình công tác thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Các chỉ tiêu xây dựng, phát triển gia đình thuộc các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của các địa phương; chú trọng công tác đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ. Việc huy động và sử dụng nguồn lực tài chính được hết sức chú trọng, ưu tiên nguồn lực cho vùng nông thôn, vùng nghèo, vùng miền núi còn nhiều tập tục lạc hậu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó là công tác kiểm tra việc thi hành luật pháp chính sách...

Thứ hai, tăng cường công tác truyền thông vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về vị trí, vai trò của gia đình trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; về chủ trương, luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến gia đình; về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các gia đình, các cơ quan, những người thi hành công vụ liên quan đến gia đình để bảo đảm, thúc đẩy việc thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến gia đình.

Thứ ba là giải pháp giáo dục, cung cấp kiến thức về xây dựng gia đình như kỹ năng sống; trách nhiệm của nam giới đối với công việc trong gia đình, việc bảo đảm quyền của phụ nữ trong gia đình; trách nhiệm thực hiện nếp sống văn minh, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ, nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; cảnh báo các nguy cơ và hậu quả về mất cân bằng giới tính khi sinh...

Thứ tư là giải pháp thực hiện các chính sách, chương trình về an sinh xã hội. Hỗ trợ các gia đình, đặc biệt là các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng gặp nhiều khó khăn phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015 và các năm tiếp theo.

Thứ năm là giải pháp xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ gia đình. Kiện toàn và nâng cao chất lượng dịch vụ gia đình kết hợp với biện pháp quản lý, tác động cần thiết bảo đảm cho việc nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả của các dịch vụ.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác gia đình. Các hoạt động hợp tác song phương, đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế, trong đó ưu tiên các hoạt động nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo về hoạch định chính sách, quản lý, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tuyên truyền, giáo dục và cung cấp dịch vụ có chất lượng cũng được hết sức quan tâm

Tải Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 tại đây: QĐ629

Thông tin này có hữu ích đối với bạn không? Có (0) Không (0)

Bình luận (0)

Loading...

Bài viết tương tự

Đối tác của chúng tôi