Phụ nữ bị bạo hành phải đối mặt với những thất thoát nghiêm trọng về mặt tiền bạc, ấy là chưa kể đến việc, trong rất nhiều trường hợp bị bạo hành, phụ nữ phải là người gánh chịu các chi phí ly hôn nếu mâu thuẫn không thể giải quyết được.
Mục tiêu tổng quát của nghiên cứu này là đưa ra ước tính đáng tin cậy về thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình gây ra ở Việt Nam. Số liệu cho thấy những thiệt hại về mặt kinh tế do bạo lực gia đình gây ra có thể thấy được ở cấp độ gia đình và cấp vĩ mô. Phụ nữ và gia đình có bạo lực phải chi trả những chi phí khi tiếp cận dịch vụ y tế, hỗ trợ pháp lý và tư vấn. Họ cũng bị thiệt hại kinh tế vì thu nhập giảm đi do không thể làm việc.
Vẫn biết rằng những thiệt hại thực tế về mặt con người do bạo lực gia đình gây ra là rất lớn. Tuy nhiên, có một tổn hại mà khi nói về bạo lực gia đình ở Việt Nam ít được nhắc tới đó là: Những tổn hại về kinh tế mà phụ nữ và trẻ em phải gánh chịu. Vì thực chất, bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra cũng làm suy giảm sự phát triển kinh tế và xã hội của phụ nữ, giảm khả năng tự quyết định cuộc sống của họ.
Tổn hại nghiêm trọng sức khỏe, tinh thần
Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã tiến hành nghiên cứu về những thiệt hại do bạo lực gia đình gây ra tại Việt Nam. Nghiên cứu này có sự tham gia của Viện Gia đình và giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và ĐH Ireland với sự tham vấn của nhiều tổ chức quốc tế. Theo đó, số phụ nữ được khảo sát tại Việt Nam là 1.053 người trong đó có 541 người khu vực nông thôn và 513 người ở thành thị thuộc cả 7 khu vực địa lý của Việt Nam với các tỉnh, TP: Hà Nội, Lạng Sơn, Đắc Lắc, Đà Nẵng, Bình Định, TP HCM, Bến Tre… 92,5% trong số những phụ nữ được hỏi có chồng, 6% trong tình trạng ly thân hoặc ly hôn, 1% góa chồng. Một thực tế đáng buồn mà kết quả cuộc khảo sát này mang lại là có đến 48% phụ nữ được khảo sát ở nông thôn và 38% phụ nữ ở thành thị đã từng trải qua bạo lực thể chất. 64% các phụ nữ được hỏi đã phải hứng chịu ít nhất một hành vị bạo lực tâm lý, thể chất hoặc tình dục trong đời mình.
Bạo lực gia đình gây tổn hại nghiêm trọng đối với sức khỏe và sự thoải mái về tinh thần của phụ nữ. Chẳng hạn, phụ nữ bị bạo lực có tỷ lệ khóc lóc, cảm thấy bất hạnh và thậm chí nghĩ đến tự tử cao. Họ cũng có nguy cơ không thực hiện được công việc hàng ngày, hoặc mất đi hứng thú làm công việc hàng ngày. Phụ nữ bị bạo hành có xu hướng tìm kiếm các hỗ trợ cho bản thân và con cái mình cao hơn những người khác, thể hiện tình trạng sức khỏe kém hơn, có xu hướng phải sử dụng các dịch vụ y tế nhiều lần hơn. Nhớ về các vụ bạo lực bản thân gặp phải, chị NTL, 41 tuổi, đã ly hôn kể: “Mỗi ngày anh ta đánh tôi 2, 3 lần. Anh ta đánh tôi gần 100 lần từ khi cưới trong 5 năm chung sống. Anh ta đấm tôi mạnh đến mức tôi suýt nữa đánh rơi con. Anh ta đánh như vậy rất nhiều lần…”. Hay như chị DTX, 46 tuổi, tâm sự: “Lần dã man nhất là khi tôi sinh đứa con gái thứ hai. Anh ta nói tôi đẻ toàn vịt giời. Khi tôi đi làm đồng về, anh ta đòi tôi đưa tiền cho anh ta đi uống rượu. Tôi nói không có, anh ta liền túm tóc và dùng búa đánh tôi. Xương sống tôi bị rạn và tôi không thể chạy được. Tôi không thở được. Tôi nghĩ mình sẽ chết. Tôi cố gắng ngẩng đầu lên nhưng không được, tôi sụp xuống. Anh ta tiếp tục dùng gậy đánh tôi và ném một viên gạch vào tôi. Máu chảy ra xối xả từ đầu và tôi ngất đi”.
Bạo lực gia đình: Những thiệt hại từ góc độ kinh tế
Phụ nữ phải gánh chịu thiệt thòi về sức khỏe và kinh tế khi bị bạo hành.
Phụ nữ gánh thiệt thòi về kinh tế
Theo nghiên cứu của UN Women, hầu hết các phụ nữ được hỏi tham gia vào lao động (trên 90%). Mức độ thiệt hại về kinh tế do bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam là rất lớn, bao gồm cả những chi phí họ phải trả trực tiếp và những khoản thu bị mất do gián đoạn công việc. Chỉ tính riêng chi phí y tế bao gồm việc tiếp cận y tế, chi phí đi lại, thuốc men, trung bình đã lên đến 804.000 đồng một vụ, tương đương với khoảng 28,2% thu nhập trung bình hàng tháng của một phụ nữ.
Một thiệt hại không kém là thu nhập bị mất do phải nghỉ việc. Mức giảm sút thu nhập trung bình tương ứng với một vụ bạo lực gia đình là hơn 382.000 đồng tương đương với khoảng 13,4% thu nhập hàng tháng của phụ nữ. Phụ nữ cũng cho biết, trung bình sau mỗi vụ bạo hành, họ bị mất 33 giờ làm việc nhà, với giá trị kinh tế là khoảng 502.000 đồng tương đương với 17,8% thu nhập.
Trên thực tế, chi phí cho Tòa án không thể hiện đầy đủ các chi phí mà phụ nữ phải chi trả nếu muốn dứt hẳn khỏi tình trạng hôn nhân có bạo lực. Các chi phí đó cũng ở mức tương đối cao nếu xét trong bối cảnh nhiều phụ nữ bị bạo lực có mức thu nhập trung bình hàng tháng thấp. Chị ATL, 38 tuổi, ly hôn năm 2011 cho biết: “Tôi phải nghỉ làm 10 ngày để đến Tòa và gặp luật sư (trung bình tôi kiếm được từ đồng/ngày). Tôi đưa cho thư ký tòa 1 triệu đồng và luật sư là 6 triệu đồng. Một lần tôi tìm đến một Cty luật, lúc đó tôi chưa biết về trung tâm tham vấn ở BV đa khoa. Tôi đến đó 3 lần, mỗi lần mất 200.000 đồng. Lúc đầu, mấy luật sư ở đó làm cho tôi 2, 3 cái đơn từ gửi cho Tòa và lấy của tôi 2 triệu đồng…”.
Tải Báo cáo hoàn thiện về ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam tại đây:
Báo cáo tiếng Việt: |
BC ước tính thiệt hại KT do BLGĐ |
Báo cáo tiếng Anh: |
Bình luận (0)
Loading...