LAO ĐỘNG PHI CHÍNH THỨC Ở VIỆT NAM:
Nhiều sắc màu và Nhiều việc cần phải làm
Ngày 11-13/03/2019, Mạng lưới Hành động vì lao động di cư- Mnet, với sự hỗ trợ của Mạng WIEGO –“Mạng lưới Nữ lao động phi chính thức: toàn cầu hóa và tổ chức đại diện” và tổ chức Oxfam tại Việt Nam, phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Chia sẻ về lao động phi chính thức ở Việt Nam”. Hội thảo đã nhận được rất nhiều chia sẻ kinh nghiệm và những gợi ý có thể áp dụng tại Việt Nam từ đại diện của các tổ chức về lao động phi chính thức quốc tế, thành viên của WIEGO, gồm Liên đoàn lao động giúp việc gia đình quốc tế - IDWF, Liên minh Bán hàng rong - StreetNet International, Mạng Lao động làm việc tại nhà Đông Nam Á – HomeNetSEA và HomeNet Thái Lan, Công đoàn lao động thu gom rác Ấn Độ - KKPKK, Trung tâm dịch vụ công tác xã hội Hong yan (Bắc Kinh, Trung Quốc), và tổ chức Oxfam.
Ảnh: Đại diện của các tổ chức quốc tế về lao động phi chính thức tham dự Hội thảo quốc tế “Chia sẻ về lao động phi chính thức ở Việt Nam”.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng (GFCD)
Đã có rất nhiều vấn đề được nêu lên tại hội thảo, như: an sinh xã hội, hỗ trợ và bảo vệ lao động phi chính thức, và chính thức hóa khu vực kinh tế phi chính thức. Những nội dung này đã thu hút được sự quan tâm của các đại diện từ các cơ quan của chính phủ: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cũng như các đại biểu khác tại Hội thảo, bao gồm các tổ chức quốc tế tại Việt Nam: Tổ chức Lao động quốc tế - ILO, Rosa LuxemBurg Stiftung, Care International, ActionAid, Vietnam of Solidarity Center AFL-CIO, Asia Foundation, Bread for the world.
Ảnh: Đại diện cơ quan Chính phủ tham gia một phiên thảo luận tại Hội thảo quốc tế “Chia sẻ về lao động phi chính thức ở Việt Nam”.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng (GFCD)
Trong ba ngày làm việc của Hội thảo, bốn nhóm lao động đại diện cho những người lao động ở khu vực phi chính thức, gồm Lao động giúp việc gia đình, Lao động thu gom rác, Lao động làm việc tại nhà và Lao động bán hàng rong, đã cung cấp những bằng chứng thực tế trong tiếp cận an sinh xã hội và việc làm của họ, giúp cho hơn 100 đại biểu tham dự có cái nhìn toàn cảnh và cụ thể hơn về lao động phi chính thức.
Ảnh: Các nhóm người lao động phi chính thức thảo luận và cung cấp bằng chứng tại Hội thảo quốc tế “Chia sẻ về lao động phi chính thức ở Việt Nam”.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng (GFCD)
Kết thúc Hội thảo, những khuyến nghị với những thực thể xã hội đã được tổng hợp và gửi đến các đại biểu:
- Các cơ quan Nhà nước được mong đợi sẽ: Xem xét các quy định pháp luật, tạo điều kiện cho việc hình thành tổ chức đại diện có tính pháp lý của lao động phi chính thức (LĐPCT); Điều chỉnh một số chính sách bảo hiểm xã hội để phù hợp hơn với nhu cầu của LĐPCT, tăng khả năng tiếp cận của nhóm LĐPCT với bảo hiểm xã hội (có nhiều gói lựa chọn, tăng hỗ trợ của nhà nước, có chế độ ngắn hạn); Sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ Luật Lao động năm 2012 và các văn bản pháp luật có liên quan để bao hàm và có tác động cả tới các nhóm LĐPCT, bổ sung các quy định pháp luật về giám sát việc ký kết và thực hiện hợp đồng lao động và chế tài xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về lao động; Tăng cường truyền thông rộng rãi với những phương pháp phù hợp với LĐ PCT về các chính sách pháp luật có liên quan; Có các chính sách về đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, vay vốn, nhà ở, nước sạch,… cho LĐPCT; Có các quy định cụ thể và rõ ràng về phòng chống bạo lực gia đình và quấy rối tình dục tại nơi làm việc của LĐPCT.
- Các tổ chức xã hội được mong đợi sẽ: Thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa LĐPCT và các cơ quan chính quyền; hỗ trợ đưa tiếng nói của LĐPCT đến các nhà hoạch định chính sách; Thực hiện và thu thập các nghiên cứu về LĐPCT để hỗ trợ các hoạt động vận động chính sách dựa trên bằng chứng; Hỗ trợ tiếp cận và cung cấp các dịch vụ cho LĐPCT: chăm sóc sức khỏe, đào tạo kiến thức và kỹ năng, tư vấn pháp luật, cung cấp thông tin,…; Tạo cơ hội cho người lao động học hỏi kinh nghiệm, tham gia các diễn đàn, mạng lưới tại địa phương, quốc gia, khu vực, quốc tế; Liên kết, phối hợp với nhau trong các hoạt động can thiệp, hỗ trợ và vận động chính sách cho LĐPCT; Hỗ trợ LĐPCT trong việc hình thành, phát triển và liên kết các nhóm, các tổ chức đại diện; Truyền thông trong cộng đồng, người sử dụng lao động về các quy định của pháp luật liên quan đến LĐPCT.
- Và ngay cả người lao động phi chính thức cũng cần có hành động riêng mình: Tuân thủ các quy định của pháp luật; tích cực tham gia các chủ trương, chính sách của Nhà nước; Chủ động nâng cao năng lực, tìm hiểu thông tin pháp luật; Mạnh dạn bày tỏ ý kiến, tham gia xây dựng và giám sát các vấn đề về pháp luật, chính sách của Nhà nước; Hỗ trợ, giúp đỡ, kết nối với các người lao động khác cùng ngành nghề, cùng đặc điểm; Chủ động và tích cực tham gia tổ chức đại diện của LĐPCT; Chủ động và tích cực tham gia các chính sách về An sinh xã hội như: học nghề, tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… khi có các điều kiện và chính sách phù hợp.
Ảnh: Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế “Chia sẻ về lao động phi chính thức ở Việt Nam” chụp ảnh lưu niệm.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng (GFCD)
Có thể nói, sau ba ngày làm việc tích cực, sôi nổi, Hội thảo đã đạt được những mục tiêu đặt ra, đó là: (i)Tăng sự hiểu biết về lao động phi chính thức ở Việt Nam, tập trung vào bốn nhóm nghề: Lao động giúp việc gia đình, Thu gom rác, Lao động làm việc tại nhà, và Bán hàng rong; (ii) Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính thức hóa nền kinh tế phi chính thức và nâng cao hiểu biết về các mạng lưới lao động phi chính thức Việt Nam và quốc tế; (iii)Thúc đẩy tổ chức đại diện của lao động phi chính thức với sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, Liên đoàn lao động và các tổ chức quốc tế; (iv) Xây dựng chiến lược hợp tác trong tương lai; (v) Đề xuất khuyến nghị về an sinh xã hội cho lao động phi chính thức và chính thức hóa nền kinh tế phi chính thức.
Lao động phi chính thức tại Việt Nam chiếm tỷ lệ cao (18 triệu người – tương đương 57,2% trong tổng số lao động (không bao gồm lao động trong khu vực hộ nông nghiệp), trong đó có một bộ phận lớn là lao động di cư nội địa. LĐPCT là một xu thế tất yếu và có nhiều đóng góp trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội ở Việt Nam. Việc làm ở khu vực phi chính thức tạo cơ hội và sinh kế cho rất nhiểu lao động, song, vẫn chưa đáp ứng được mức sống cơ bản vì việc làm phi chính thức thường kèm với sự bất ổn định, thu nhập bấp bênh, điều kiện làm việc thiếu an toàn và khó hoặc không tiếp cận được với an sinh xã hội. Kết quả Điều tra 2016 của Tổng cục thống kê cho biết về quy mô và bản chất của việc làm phi chính thức ở Việt Nam, thu nhập bình quân hàng tháng của lao động phi chính thức ít hơn lao động ở khu vực chính thức khoảng 30% với 4,4 triệu VND/tháng (so với 6.7 triệu VND/tháng của lao động chính thức). Hầu hết không có bảo hiểm xã hội (97,9%). Trong số lao động phi chính thức, phụ nữ thường có việc làm được phân loại là “dễ bị tổn thương” gồm lao động gia đình và tự làm. Họ không tham gia vào các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp tại nơi tạm trú; cũng chưa có tổ chức đại diện để được hỗ trợ bảo vệ khi bị vi phạm quyển, bị lạm dụng, bị bóc lột và quấy rối… |
Mạng lưới Hành động vì Lao động Di cư – M.net, được thành lập bởi sáng kiến của Oxfam Việt Nam vào tháng 10/2014. Mnet hiện có 6 tổ chức thành viên gồm: Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (LIGHT); Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI); Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng (GFCD); Hội Bảo Trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam (VIJUSAP); Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn Công tác Xã hội Và Phát triển Cộng đồng (SDRC) và Trung tâm Nghiên cứu Hỗ trợ Gia đình và Phát triển Cộng đồng (CFSCD). Các thành viên Mnet đều là những tổ chức xã hội của Việt Nam, có uy tín và có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với lao động di cư. Mnet thường xuyên phối hợp với các cơ quan chính phủ, các ban ngành đoàn thể, các tổ chức quốc tế và trong nước trong quá trình vận động, xây dựng và thực thi các chính sách phù hợp nhằm đảm bảo quyền của lao động di cư. |
GFCD
Bình luận (0)
Loading...