Quyền an sinh xã hội cho lao động nữ di cư:vẫn còn những khoảng trống

Ndđt- nghiên cứu về quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư ở việt nam cho thấy, gần 35% gặp khó khăn về việc làm. khoảng 98% lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội. điều này cho thấy những khoảng trống chính sách trong thực hiện quyền an sinh xã hội với lao động nữ di cư.

Khó tiếp cận chính sách an sinh

Nghiên cứu “Quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư ở Việt Nam” cho thấy, 34,3% gặp khó khăn về việc làm, 42,6% lao động nữ di cư gặp khó khăn về chỗ ở. Và 97,9% lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội (BHXH).

Đây là nghiên cứu của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), phối hợp tổ chức ActionAid Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) triển khai. Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy quyền xã hội toàn cầu cho lao động nữ di cư tại Việt Nam”, với sự tài trợ của Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung.

Mục tiêu tổng thể của dự án là thúc đẩy quyền của lao động nữ di cư và khả năng tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là lao động nữ di cư ở Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh.

Thạc sĩ Trần Thị Hồng, thành viên nhóm nghiên cứu, chia sẻ, nghiên cứu được thực hiện trong tháng 11 và 12 năm 2018. Qua khảo sát thực tế cho thấy, có những khoảng trống về pháp luật trong chính sách với lao động nữ. Thí dụ, nhiều chính sách an sinh xã hội chủ yếu quy định theo hộ khẩu thường trú, gây khó khăn cho lao động nữ di cư, khiến họ ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản.

Cụ thể, lao động nữ phi chính thức khó tiếp cận BHXH tự nguyện và BHYT. Chính sách BHXH tự nguyện hiện nay không hấp dẫn với lao động nữ di cư do mới được hưởng hai chế độ hưu trí và tử tuất. Hai chế độ rất được lao động nữ di cư quan tâm là thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp không có, nên họ không muốn tham gia. Ngoài ra, các chế độ trợ giúp xã hội thường xuyên hay đột xuất, chưa có chính sách dành riêng cho người tạm trú ngắn hạn như lao động nữ di cư.

Khó khăn nữa là BHYT. Muốn mua BHYT, người lao động cần có sổ đăng ký tạm trú và văn bản đồng ý của chủ nhà. Họ cũng chỉ có thể mua BHYT tự nguyện khi chủ nhà cũng mua. Đây là những khó khăn thường xuyên với lao động nữ di cư.

Là lực lượng lao động tích cực trên thị trường, lao động nữ di cư tham gia vào cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức. Họ đóng góp đáng kể cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Tuy nhiên, họ cũng là nhóm dân số phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong quá trình làm việc và sinh sống tại nơi đến. Chịu nhiều thiệt thòi, dễ bị tổn thương, nhưng mạng lưới an sinh xã hội từ trước đến nay chưa bao phủ nhiều đến họ, đặc biệt là nhóm lao động nữ ở khu vực kinh tế phi chính thức.

Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, cho biết, kết quả điều tra di cư nội địa quốc gia do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2015 cho thấy, 13,6% dân số cả nước là người di cư, trong đó 17,3% người di cư ở độ tuổi lao động từ 15-59 tuổi. Đa số người di cư xuất thân từ nông thôn, chiếm 79,1% tổng số người di cư. Thường không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, họ hầu hết làm những công việc giản đơn, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật.

Các nghiên cứu về di cư ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) năm 2016 cũng đều chỉ ra rằng, lao động đi cư, đặc biệt là lao động nữ, là một trong những lực lượng lao động chịu nhiều thiệt thòi do mô hình kinh tế tăng trưởng nhanh hiện nay. Mặc dù họ tham gia vào cả lực lượng lao động chính thức lẫn phi chính thức, nhiều lao động di cư không được hưởng những quyền lợi từ các chính sách an sinh xã hội, như lao động, việc làm, giảm nghèo, BHXH, bảo trợ xã hội, các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, tiếp cận thông tin... Bên cạnh đó, thu nhập của họ không ổn định và bấp bênh từ những công việc chỉ được ký hợp đồng lao động ngắn hạn hoặc thậm chí không có hợp đồng.

Trong những năm gần đây, các hiệp định tự do thương mại được Việt Nam ký kết có các yêu cầu bảo vệ lao động. Điều này đặt ra thách thức cũng như cơ hội cho Việt Nam khi các doanh nghiệp thường theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, chi phí thấp thông qua việc không đảm bảo điều kiện làm việc, thời gian làm việc dài và hạn chế người lao động tiếp cận các phúc lợi xã hội.

Giúp lao động nữ di cư tiếp cận quyền

Chủ tịch Quỹ AFV Tạ Việt Anh nhấn mạnh, cơ quan này hỗ trợ thực hiện nghiên cứu về bảo đảm quyền an sinh xã hội với lao động nữ di cư xuất phát từ thực tế. Hiện nay, số lao động đổ về các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất vùng miền rất lớn, đặc biệt là lao động nữ. Vấn đề tiếp cận quyền an sinh xã hội của lao động nữ cũng rất quan trọng. Thí dụ, ngoài quyền tiếp cận an sinh xã hội của bản thân họ về các dịch vụ y tế, việc làm, còn có quyền giáo dục, y tế cho con họ. Trên cơ sở nghiên cứu này, sẽ đề xuất với các cơ quan liên quan, nhà hoạch định chính sách, có giải pháp phù hợp để bảo đảm quyền an sinh xã hội với người lao động di cư nói chung và lao động nữ di cư nói riêng. Đặc biệt, ông mong muốn, bản thân lao động nữ di cư cũng tự nhận thức, nâng cao hiểu biết của họ về quyền của họ, để họ chủ động tiếp cận và thực hiện.

Ông Việt Anh nêu rõ, kết quả nghiên cứu giúp các nhà hoạch định chính sách, chính quyền địa phương có cái nhìn toàn diện hơn về đời sống và vấn đề phúc lợi xã hội của lao động nữ di cư, cả nhóm chính thức và phi chính thức. Từ đó, có biện pháp cải thiện chính sách cho nhóm đối tượng yếu thế này.

Về lâu dài, Thạc sĩ Trần Thị Hồng khuyến nghị, cần điều chỉnh việc quản lý người dân thông qua hộ khẩu bằng việc quản lý qua thẻ căn cước công dân.

Bên cạnh đó, tuyên truyền chính sách an sinh xã hội cho lao động nữ di cư rất quan trọng. Lao động nữ di cư mới chỉ tập trung kiếm thu nhập, chứ chưa quan tâm nhiều tới quyền an sinh xã hội của mình. Do đó, cần có cách truyền thông phù hợp, thu hút họ tham gia và hưởng quyền cơ bản về an sinh xã hội.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Thông tin này có hữu ích đối với bạn không? Có (0) Không (0)

Bình luận (0)

Loading...

Bài viết tương tự

Đối tác của chúng tôi