Hiện nay trong quá trình thực hiện luật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đã không còn phù hợp với thực tiễn và đang đứng trước yêu cầu sửa đổi, bổ sung.
Từ năm 1959 Luật Hôn nhân và gia đình đã được Nhà nước ta ban hành. Tuy nhiên, luật này chỉ được áp dụng ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đến năm 1986, Quốc hội ban hành luật mới thay thế và áp dụng thống nhất trong cả nước. Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 đã góp phần rất lớn trong việc xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình. Cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội và xu thế hội nhập quốc tế, Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 đã bộc lộ nhiều vấn đề không còn phù hợp. Vì vậy, ngày 9/6/2000, Quốc hội khóa X kỳ họp thứ 7 đã ban hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thay thế cho Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986. Luật này có 13 chương 110 điều và có hiệu lực từ ngày 01/01/2001. Sau khi luật được ban hành, Nhà nước ta đã ban hành một loạt các văn bản hướng dẫn. Qua 12 năm thực hiện, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã góp phần phát huy vai trò trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ. Tuy nhiên, hiện nay trong quá trình thực hiện luật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đã không còn phù hợp với thực tiễn và đang đứng trước yêu cầu sửa đổi, bổ sung.
- Vấn đề áp dụng tập quán trong quan hệ hôn nhân và gia đình
Tại Lời nói đầu của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có khẳng định: Luật này ra đời nhằm “đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, giữ gìn và phát huy truyền thống và những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình”. Điều này được cụ thể ở khoản 1 Điều 3 về trách nhiệm của Nhà nước và xã hội: “Vận động nhân dân xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình, phát huy truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc; xây dựng quan hệ hôn nhân và gia đình tiến bộ”, và Điều 6 áp dụng phong tục, tập quán về hôn nhân và gia đình: “Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, những phong tục, tập quán thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc mà không trái với những nguyên tắc quy định tại Luật thì được tôn trọng và phát huy”.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2002/NĐ-CP ngày 27/3/2002 quy định việc áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình đối với các dân tộc thiểu số. Theo đó, Nghị định liệt kê hai danh mục: (1) Danh mục phong tục, tập quán tốt đẹp về hôn nhân và gia đình của các dân tộc được khuyến khích phát huy (Phụ lục A) và (2) Danh mục phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình của các dân tộc bị nghiêm cấm áp dụng (Phụ lục B). Vận dụng các quy định của pháp luật trong thực tiễn xét xử tại Tòa án nhân dân các cấp, đặc biệt Tòa án ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa đã áp dụng nhiều phong tục, tập quán để giải quyết các tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng phong tục, tập quán về hôn nhân và gia đình đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập. Đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số sống chủ yếu bằng nông nghiệp và dựa vào thiên nhiên, trình độ canh tác lạc hậu, trình độ dân trí thấp nên trong đời sống của đồng bào hầu như tuân theo những phong tục, tập quán sẵn có. Do vậy, ở một số dân tộc thiểu số vẫn còn duy trì những phong tục, tập quán lạc hậu như: Thách cưới, tảo hôn, trọng nam kinh nữ,… Một số Tòa án khi giải quyết các vấn đề hôn nhân và gia đình đối với đồng bào dân tộc thiểu số, không có sự tìm tòi, hiểu biết về phong tục, tập quán bản địa để có sự vận dụng linh hoạt với những quy định của pháp luật nên đã áp dụng máy móc, cứng nhắc, khiến các đương sự không “phục” và như vậy bản án coi như không phát huy được hiệu lực đối với các bên đương sự (chẳng hạn là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, thường vụ kiện sau khi được Tòa án các cấp có thẩm quyền tuyên xử, lại được mang về bản, làng “phán xét lại” theo phong tục, tập quán)[1].
Vì vậy, trong quá trình sửa đổi tổng thể Luật Hôn nhân và gia đình, ngoài việc tiếp tục phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp và xóa bỏ các phong tục lạc hậu, thì luật cũng cần giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh sau: (1) Phong tục, tập quán được áp dụng cần tuân theo trình tự, thủ tục như thế nào? (2) Trong trường hợp cùng một quan hệ hôn nhân gia đình song mỗi địa phương lại có phong tục, tập quán khác nhau, thì việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên được giải quyết ra sao?
- Về tuổi kết hôn
Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì chỉ cần nam bước sang tuổi 20, nữ bước sang tuổi 18 là đủ tuổi kết hôn. Xung quanh quy định này xuất hiện các luồng ý kiến tranh luận khác nhau, cụ thể như sau:
Thứ nhất, một số ý kiến cho rằng, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi nên hạ độ tuổi kết hôn cho nữ xuống 16 và nam xuống 18 tuổi vì các lý do sau:
- Thực tiễn Việt Nam hiện nay, độ tuổi kết hôn như quy định hiện hành không phù hợp với nhiều địa phương, vùng miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi. Ở những nơi này, đa số các em chỉ mới 14, 15 tuổi đã về ở với nhau, sinh con đẻ cái theo phong tục địa phương. Vì vậy, nếu áp dụng một cách cứng nhắc thì vô hình chung sẽ tạo sự không ổn định về xã hội.
- Tham khảo một số quy định của các quốc gia trên thế giới về độ tuổi kết hôn, nhiều quốc gia quy định tuổi kết hôn dưới 18 tuổi.
Thứ hai, ý kiến khác cho rằng, Luật Hôn nhân và gia đình nên quy định cho phép nam, nữ, từ đủ 18 tuổi trở lên được phép kết hôn. Những người theo phương án này lập luận dựa trên Công ước Cedaw về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ mà Việt Nam đã tham gia. Theo ông Sơn Minh Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho rằng thậm chí cả “Nữ dân tộc thiểu số cũng phải đủ 18 tuổi mới được kết hôn. Phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn, hiểu biết còn hạn chế, nếu để họ lập gia đình sớm, rồi sinh con thì không thể phát triển được”[2].
Thứ ba, một số ý kiến lại cho rằng, không nên hạ tuổi kết hôn mà giữ nguyên quy định hiện hành vì những lý do sau:
- Về mặt sinh học: Khi phụ nữ mang thai và sinh con trước tuổi 18, cơ thể người mẹ chưa hoàn thiện, nếu sinh con, nguy cơ đẻ khó, tai biến sản khoa sẽ tăng. Hơn nữa, sinh con trước tuổi 18, ngoài việc sức khỏe của mẹ và bé không đảm bảo, trẻ còn có nguy cơ bị suy sinh dưỡng. Hậu quả xa hơn là làm suy giảm chất lượng giống nòi[3]. Đồng tình với việc không hạ độ tuổi kết hôn, luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định độ tuổi kết hôn như vậy là kết quả của việc nghiên cứu, điều tra tổng thể. Ở Việt Nam, 16-17 tuổi có thể người thành thị thì cao lớn, nhưng ở nông thôn hoặc vùng núi cao thì vẫn còn thấp bé. Vì vậy, khi sửa đổi luật cần căn cứ vào tâm lý và tuổi sinh sản của con người. “Làm thế nào mà một đứa trẻ 16 tuổi có thể sinh ra một đứa con khỏe mạnh trong khi cơ thể mình còn bé tí, nói gì đến nuôi dạy con cái”[4].
- Về mặt tâm lý học: Các nhà tâm lý cho rằng tuổi 16, 17 vẫn nằm trong giai đoạn chưa phát triển hoàn thiện. Việc tiếp nhận khối lượng kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống của lứa tuổi này chưa đầy đủ, chưa xử lý được các vấn đề trong cuộc sống. Khi bước vào hôn nhân rất dễ có nguy cơ đổ vỡ[5].
- Về mặt lập pháp: Việc quy định hạ tuổi kết hôn sẽ gây ra sự không thống nhất với các quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên. Người từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hoặc pháp luật có quy định khác. Đồng thời, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì đương sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên mới có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Như vậy, nếu cho phép người chưa đủ 18 tuổi kết hôn không những tạo ra sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật mà còn hạn chế một số quyền của người nữ khi xác lập giao dịch, hạn chế quyền yêu cầu ly hôn (phải có người đại diện).
- Về giới tính trong kết hôn
Hiện nay, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì việc kết hôn giữa những người cùng giới tính là một trong các trường hợp bị cấm kết hôn (khoản 5 Điều 10). Tuy nhiên, thực tế gần đây cho thấy cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt Nam có xu hướng mở rộng, nhu cầu được kết hôn hoặc sống chung với nhau ngày càng tăng lên. Vì thế, xét về đảm bảo quyền tự do cá nhân thì việc kết hôn của những người cùng giới tính cần được công nhận. Song dưới góc độ văn hóa tập quán của gia đình Việt Nam, tính nhạy cảm xã hội của vấn đề, hậu quả xã hội chưa thể dự báo hết được. Mặc dù vậy, việc những người đồng tính sống chung với nhau dẫn tới những vấn đề phát sinh về nhân thân, tài sản,…xuất hiện ngày càng nhiều. Thực tế xét xử của Tòa án trong nhiều năm qua đã có một số vụ việc tranh chấp về tài sản giữa những người đồng tính có quan hệ sống chung nhưng chưa có cơ sở pháp lý cụ thể để giải quyết tranh chấp. Pháp luật nhiều nước cũng đã có quy định về hậu quả pháp lý của loại chung sống này. Vì vậy, Việt Nam cũng cần tham khảo và có các quy định pháp lý điều chỉnh cho phù hợp.
- Vấn đề chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Một trong những bất cập trong thực tiễn 12 năm thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 là các quy định về giải quyết hậu quả phát sinh từ việc chung sống như vợ chồng mà không đăng ký két hôn chưa ghi nhận trong luật, dẫn đến quyền lợi của hai bên nam nữ sống chung khi có tranh chấp rất khó phân xử.
Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 hiện hành thì các trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng, không có đăng ký kết hôn thì không được thừa nhận là có quan hệ vợ chồng. Đồng thời, luật cũng không quy định cụ thể cách thức giải quyết hậu quả về nhân thân, tài sản và con cái giữa các bên có quan hệ chung sống. Hiện chỉ có Nghị quyết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, Nghị định của Chính phủ và văn bản hướng dẫn của Tòa án quy định về vấn đề này, nhưng chủ yếu điều chỉnh các quan hệ chung sống phát sinh trước ngày 01/01/2001(ngày Luật Hôn nhân và gia đình có hiệu lực).
Thế nhưng, dù luật không quy định, thời gian qua hiện tượng chung sống như vợ chồng vẫn tồn tại, tình trạng “sống thử” giữa các cặp đôi, đặc biệt là sinh viên, công nhân diễn ra ngày càng nhiều. Việc họ cứ sống chung mà không đăng ký kết hôn đã làm nảy sinh nhiều rắc rối như: Có con chung mà khai sinh lại phải khai là con ngoài giá thú (nếu không làm thủ tục nhận cha con); có tài sản chung nhưng không được công nhận, hai người cũng không mặc nhiên được đại diện cho nhau như vợ chồng trong các quan hệ dân sự, thương mại,…Mặc dù hiện tượng “sống thử” là một thực tế xã hội, song xét về lối sống và phong tục tập quán của Việt Nam, càng không nên thừa nhận hôn nhân thực tế vì hôn nhân là kết quả của một quá trình tìm hiểu, chấp thuận gắn kết cuộc sống giữa nam và nữ. Nếu cho phép “sống thử”, cho phép tồn tại hôn nhân thực tế thì rất dễ trở thành “phong trào” xấu, dẫn đến nhiều hệ lụy sau này. Thực tế, rất nhiều cặp đôi sau khi “sống thử” không thể tiến tới “sống thật” với nhau đã khiến người con gái không còn cơ hội tìm hạnh phúc mới vì ai cũng cho rằng họ đã “có chồng”, đấy là chưa kể nếu có con chung thì họ còn vất vả để chứng minh ai là cha đứa trẻ để khai sinh và đòi cấp dưỡng cho con[6].
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi không nên thừa nhận hôn nhân thực tế, nhưng luật phải có các quy định giải quyết hậu quả pháp lý phát sinh của tình trạng này, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ và trẻ em.
- Vấn đề ly thân
Dân luật năm 1972 ở miền Nam có quy định về chế định ly thân. Theo đó, Bộ luật này có hẳn một mục quy định về ly thân. Thủ tục ly hôn cũng áp dụng cho việc ly thân. Án ly thân không chấm dứt danh nghĩa vợ chồng. Sự ly thân đương nhiên đặt vợ chồng vào tình trạng biệt sản (tài sản riêng). Sự giám thủ (trách nhiệm nuôi dưỡng con cái) các con được giải quyết như trong trường hợp ly hôn. Sự ly thân chấm dứt khi vợ chồng tái hợp. Ba năm sau khi có án ly thân, mỗi người phối ngẫu có thể xin hoán cải (thay đổi) án ly thân thành án ly hôn. Người phối ngẫu có lỗi trong việc ly thân phải chịu các án phí về sự hoán cải; nếu cả hai bên đều có lỗi, mỗi bên phải chịu một nửa án phí[7].
Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 không có quy định nào liên quan đến chế định ly thân. Theo thống kê hiện nay cho thấy, có tới hơn 90% các cuộc ly hôn đều trải qua giai đoạn ly thân. 60% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ, tuổi vợ chồng chỉ 23-30, và 70% ly hôn khi vừa mới kết hôn[8]. Do pháp luật không có quy định nên hiện nay ly thân là chuyện riêng và thuộc quyền quyết định của các cặp vợ chồng. Trong quá trình sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, có hai luồng ý kiến hoàn toàn trái ngược nhau liên quan đến việc có nên hay không nên đưa chế định ly thân vào luật, cụ thể:
Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, không nhất thiết phải luật hóa chuyện ly thân, bởi theo pháp luật Việt Nam, vợ chồng bình đẳng với nhau về tất cả mọi mặt như con cái, chỗ ở, tài sản, quyền ly hôn,…nên không có chuyện vợ hoặc chồng lợi dụng sự ly thân để mưu cầu riêng cho mình. Hơn nữa, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng không có quy định nào cho thấy là vợ chồng nhất thiết phải sống chung, cùng nhà với nhau, nên nếu có, chế định ly thân sẽ là thừa[9]. Ly thân không làm chấm dứt mối quan hệ pháp lý giữa vợ và chồng, nên trong thời gian sống ly thân các bên vẫn có đầy đủ quyền và nghĩa vụ đối với con chung, tài sản chung.
Ngược lại luồng ý kiến thứ hai lại cho rằng, cần đưa chế định ly thân vào Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi. Theo TS. Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Bộ môn Luật Hôn nhân và gia đình, Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh, thì “đây là phương thức giúp vợ chồng bảo vệ quyền của mình. Tức là nếu vợ chồng cảm thấy cuộc sống hôn nhân không như ý…nên cần có thời gian sống riêng để suy nghĩ có nên ly hôn hay không thì họ có quyền ly thân. Luật Hôn nhân và gia đình nên quy định ly thân với tư cách là một quyền mới trong hồn nhân và gia đình. Việc luật quy định nhưng vợ chồng có sử dụng hay không là do họ chứ không phải luật khuyến khích cho ly thân”[10]. Cũng theo TS. Nguyễn Văn Tiến, nếu đưa chế định ly thân vào luật thì cần phải quy định về căn cứ ly thân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết ly thân, thủ tục và hậu quả pháp lý. Đồng thời, hai vấn đề quan trọng không thể bỏ qua cần quy định rõ là việc hủy bỏ ly thân thực hiện như thế nào và điều kiện chuyển từ ly thân sang ly hôn. Luật sư Trần Công Ly Tao cho rằng: “Nếu đã có chế định ly thân thì giải quyết luôn những vấn đề tồn tại kéo theo như chia tài sản chung và con chung. Theo tôi, luật nên quy định chia tài sản ly thân như chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân, tức về nguyên tắc chia đôi, mỗi bên một nửa. Luật hiện hành có quy định vấn đề này và thực tế hiện nay vẫn có những cặp vợ chồng chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Việc này được lập thành văn bản có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc có nhu cầu của một bên mà bên còn lại không muốn thì được quyền đưa ra tòa để yêu cầu chia tài sản rồi tự mình khai thác tài sản của mình. Về con chung thì nên chia như lúc ly hôn, chẳng hạn như con dưới 36 tháng tuổi thì quyền nuôi con ưu tiên cho người mẹ, con từ 36 tháng đến dưới chín tuổi thì xem xét điều kiện kinh tế, chăm sóc của mỗi bên, con từ chín tuổi trở lên thì tòa căn cứ trên cơ sở con quyết định muốn ở với ai…Nghĩa vụ cấp dưỡng cũng đặt ra tương tự như vậy”.
Như vậy, hiện nay các chuyên gia vẫn chưa thống nhất được quan điểm có nên đưa vấn đề ly thân vào luật hay không. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy rằng, việc ly thân sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con cái của vợ, chồng (Điều 34, Điều 36, Điều 37); tình nghĩa vợ chồng đối với nhau (Điều 18); tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;…Vì vậy, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cần quy định hậu quả phát lý phát sinh từ vấn đề ly thân để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
- Vấn đề mang thai hộ
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 không có quy định cụ thể về vấn đề mang thai hộ. Nghị định số 12/2003/NĐ-CP của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học đã cấm việc mang thai hộ. Tuy nhiên, thực tế nhiều cặp vợ chồng kém may mắn không thể sinh con đã tìm đến giải pháp “nhờ người khác mang thai hộ”.
Vấn đề mang thai hộ được xã hội nhìn nhận ở rất nhiều chiều cạnh khác nhau. Xét ở phương diện văn hóa truyền thống thì mang thai hộ rất xa lại với phong tục của người Việt. Người Việt thường quan niệm con cái phải do người mẹ mang thai “chín tháng mười ngày” dứt ruột đẻ ra. Như vậy, người mẹ dù là mang thai hộ cũng vẫn có những sợi dây tình cảm gắn kết với đứa bé mang trong bụng. Hơn nữa, khoa học cũng đã chứng minh, cho dù đứa bé không được thụ thai từ trứng của người mang thai hộ, song trong quá trình mang thai tâm lý, tình cảm của người mang thai hộ cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của đứa trẻ được sinh ra sau này. Bởi vậy, nhiều người cho rằng việc mang thai hộ rồi “trả con” cho người khác là không phù hợp với truyền thống của Việt Nam. Tuy nhiên, xét dưới khía cạnh nhân văn, nhân đạo thì có nhiều trường hợp rất thương tâm khi vợ không thể mang thai nhưng hai vợ chồng đều có khả năng có con. Nếu trường hợp này vợ chồng lấy trứng và tinh trùng để nuôi phôi thai rồi cấy phôi để chị, em gái hoặc người thân tình nguyện mang thai hộ nhau, thì cần được nhìn nhận một cách nhân văn hơn, cảm thông hơn của xã hội.
Một vấn đề đặt ra là nếu pháp luật cho phép mang thai hộ thì sự việc này sẽ rất dễ bị thương mại hóa và trở thành hiện tượng tiêu cực của xã hội. Nhiều chị em ngại mang thai muốn “giữ dáng” mà từ chối mang thai sẽ tạo điều kiện cho dịch vụ đẻ thuê xuất hiện, gây nên nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Đặc biệt là đối với những trường hợp người phụ nữ vừa “bán trứng” vừa “đẻ thuê”, để rồi những đứa trẻ sinh ra sau này không biết chúng là anh chị em cùng mẹ mà lấy nhau, làm thoái hóa giống nòi. Vì vậy, nếu “mang thai hộ” trở thành một loại “dịch vụ” thì những lo ngại trên rõ ràng là có căn cứ và cấm mang thai hộ là cần thiết.
Trường hợp Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi, bổ sung không thừa nhận việc mang thai hộ, thì luật cũng cần phải có các quy định nhằm giải quyết những tồn tại trên thực tế hiện nay như: (1) Trường hợp các cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ từ trứng và tinh trùng của mình thì có được khai sinh cho trẻ là con đẻ không?; (2) Quyền lợi của đứa trẻ được giải quyết như thế nào trong trường hợp người nhờ mang thai hộ lại không muốn nhận con nữa?; (3) Nếu vì một lý do nào đó mà người mang thai hộ không có khả năng sinh con nữa và muốn nhận đứa con do mình mang thai hộ đẻ ra thì giải quyết thế nào, công nhận mẹ đẻ của trẻ theo huyết thống căn cứ vào kết quả giám định AND hay là người thực tế sinh ra trẻ?;…hoặc các trường hợp thuê đẻ xong lại không muốn nhận con thì quyền lợi của đứa trẻ được giải quyết thế nào?
Từ những bất cập trong việc thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung luật này trong thời gian tới là hết sức cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển gia đình Việt Nam tiến bộ, bền vững.
Bình luận (0)
Loading...