Homenet thái lan và cuộc đấu tranh cho luật bảo vệ lao động làm việc tại nhà

Trường hợp nghiên cứu – lao động làm việc tại nhà homenet thái lan và cuộc đấu tranh cho luật bảo vệ lao động làm việc tại nhà  

HomeNet Thái Lan được thành lập năm 1999 là tổ chức NGO hỗ trợ lao động làm việc tại nhà trên toàn đất nước Thái Lan. Năm 2008, HomeNet là tổ chức của lao động phi chính thức và đăng ký chính thức trở thành Hiệp hội năm 2013. Hiện nay HomeNet có 5.000 thành viên trên toàn quốc, bao gồm chủ yếu là lao động làm việc tại nhà, cũng có cả bán hàng rong, xe ôm, nông dân, lao động làm công nhật. HomeNet Thái Lan là thành viên của Mạng HomeNet Đông Nam Á.

Ở Thái Lan, Pháp luật quốc gia –Luật bảo vệ  Lao động làm việc tại nhà (2010) –bảo vệ hợp pháp cho lao động làm việc tại nhà theo hợp đồng phụ. Các điểm chính của luật bao gồm (von Broembsen 2019):

  • Hợp đồng: Lao động làm việc tại nhà phải nhận được hợp đồng bằng văn bản. Nếu điều khoản của hợp đồng đem lại cho người thuê mướn “lợi thế không đáng có” (nghĩa là: nếu không công bằng cho người lao động), toà án có thể ra quyết định không thi hành hợp đồng này.
  • Lương đủ sống: Sẽ là tội hình sự nếu trả cho lao động làm việc tại nhà ít hơng lương đủ sống theo quy định. Tiền khoán sản phẩm cần được tính trên cơ sở số sản phẩm mà một lao động có thể hoàn thành trong 8 giờ.
  • Thù lao: Thanh toán cho lao động làm việc tại nhà cần được thực hiện trong vòng 7 ngày kể từ khi giao sản phẩm. Luật giới hạn số lượng mà người thuê lao động có thể khấu trừ từ khoản tiền thanh toán, nếu họ phát hiện lỗi trong các sản phẩm cuối cùng.
  • An toàn và vệ sinh lao động: Lao động làm việc tại nhà phải được thông báo nếu công việc độc hại hoặc có chất độc và người thuê phải cung cấp thiết bị bảo hộ lao động. Nếu bên thuê mướn vi phạm các điều khoản này thì phải thanh toán chi phí điểu trị y tế, phục hồi chức năng hoặc tang lễ cho người lao động.
  • Quản trị: Luật thành lập Ủy ban ba bên về Bảo vệ Lao động làm việc tại nhà, bao gồm một số bộ, đại diện lao động làm việc tại nhà và đại diện người thuê mướn.

Cuộc đấu tranh đòi thực thi Luật Bảo vệ Lao động làm việc tại nhà  của Thái Lan kéo dài hơn một thập kỷ. Nó dựa vào sự huy động số đông người lao động, nghiên cứu và dữ liệu làm bằng chứng hỗ trợ cho các yêu cầu và liên minh với các nhà hoạt động xã hội, luật sư và các nhà lập pháp.

Câu chuyện bắt đầu với những người sản xuất tại nhà ở miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan. Trong nhiều năm, những người phụ nữ đã tự tổ chức thành các hợp tác xã hỗ trợ sản xuất và tiết kiệm. Năm 1999, cùng với lao động làm hợp đồng phụ tại nhà ở trung tâm Băng Cốc, họ đã thành lập HomeNet Thái Lan cùng với các nhà lãnh đạo các tổ chức NGO, các nhà hoạt động xã hội và các học giả.

Trong khi tiếp tục hỗ trợ sinh kế của lao động nữ, HomeNetThái Lan ngay lập tức hiểu rằng những thành viên của họ là một phần của lực lượng lao động  phi chính thức ở Thái Lan, bị bóc lột và không được bảo vệ. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997 ở Châu Á, tỷ lệ thất nghiệp ở Thái Lan tăng gấp đôi trong vòng 1 năm và số lượng lao động làm việc tại nhà cũng tăng lên, nhưng pháp luật lao động quốc gia hiện hành không bảo vệ lao động phi chính thức.

Trong suốt thập kỷ tiếp theo, phong trào đòi được công nhận về mặt luật pháp, tăng cường và bảo vệ quyền của lao động làm việc tại nhà ở Thái Lan đã sử dụng các chiến lược sau:

Làm cho điều vô hình trở thành hữu hình: Người lao động cần có số liệu để cho thấy tầm quan trọng của lao động làm việc tại nhà trong nền kinh tế. HomeNet Thái Lan đã thuyết phục Tổng cục thống kế quốc gia Thái Lan (NSO) rắng số người lao động được xác định trong các cuộc điều tra về lực lượng lao động  không đúng với khối lượng sản phẩm chế tạo ở Thái Lan. Năm 1999, NSO thực hiện cuộc điều tra lao động làm việc tại nhà đầu tiên và kết quả cho thấy hơn 200.000 hộ gia đình sống chủ yếu với công việc làm tại nhà. 310,000 người lao động khác cũng góp phần vào thu nhập cho hộ gia đình khi họ làm việc tại nhà. Một nghiên cứu khác (của Ủy ban phát triển kinh tế-xã hội quốc gia) cho thấy đóng góp vào GDP quốc gia của các hoạt động hợp pháp trong nền kinh tế phi chính thức tương đương với đóng góp của nền kinh tế chính thức (trích Thanachaisethavut 2011).

Vận động lập pháp: Những nỗ lực vận động của HomeNet Thái Lan với những con số thống kê mới góp phần gây áp lực với chính phủ để họ hành động. Năm 2004, Bộ Lao động  ban hành “Quy định cấp bộ về Bảo vệ Lao động làm việc tại nhà”. Tuy nhiên Quy định này có một số thiếu sót lớn. Nó không bảo vệ  lao động hợp đồng phụ, những người tự mua nguyên liệu hoặc thiết bị để làm việc; không nêu cụ thể nhà thầu phụ có trách nhiệm như là “chủ sử dụng lao động” và không quy định lương đủ sống hay giá khoán sản phẩm.  Điều quan trọng là người lao động thấy rằng quy định không khuyến khích sinh kế: không có các cơ chế về vốn quay vòng, đào tạo kỹ năng nghề hay thương lượng tập thể (Thanachaisethavut và cộng sự 2008, Tulaphan và Namsomboon 2009).

HomeNet và các tổ chức đồng minh đã quyết định theo đuổi việc ban hành pháp luật quốc gia riêng bao gồm cả bảo vệ và khuyến khích. HomeNet đã xây dựng bản thảo luật cùng với các tư vấn pháp luật và vận động hành lang các đảng chính trị Thái lan trước cuộc bầu cử năm 2007. Đại diện HomeNet cuối cùng đã được tham gia vào Ban soạn thảo luật mới cùng với Bộ Lao động.

Phong trào của người lao động và quá trình có sự tham gia: Quá trình ban hành Đạo luật bảo vệ  Lao động làm việc tại nhà dựa vào sự huy động số lượng lớn thành viên của HomeNet Thái Lan. Trong suốt quá trình soạn thảo các quy định cấp bộ và sau này là Luật, HomeNet đã tạo điều kiện cho dòng chảy thông tin và phản hồi thông suốt giữa các thành viên, lãnh đạo và Ban soạn thảo. Các luật sư tiến hành các khóa tập huấn về luật, vận động và quyền của người lao động, rà soát các yếu tố cụ thể của bản thảo luật để người lao động có thể cung cấp những phản hồi chính xác. Người lao động trong toàn quốc tổ chức các cuộc đối thoại để tham vấn ý kiến về từng đoạn của dự thảo luật. Họ tổ chức các cuộc biểu dương lực lượng và đến văn phòng làm việc của các nghị sỹ để thể hiện sự ủng hộ đối với những điều khoản phù hợp. Mặc dù những người tự sản xuất hiểu rằng pháp luật chỉ bao gồm những lao động hợp đồng phụ, nhưng họ vận động không ngừng nghỉ cho lao động làm việc tại nhà.

Liên minh chiến lược và truyền thông: HomeNet Thái Lan xây dựng liên minh rộng rãi để ủng hộ cuộc đấu tranh cho Luật bảo vệ lao động làm việc tại nhà. Bao gồm thành viên của các cơ quan chính phủ, các chính trị gia và các tổ chức NGO và tổ chức xã hội dân sự. Trong suốt quá trình soạn thảo luật, HomeNet Thái Lan tác động lên giới truyền thông để tăng cường nhận thức của người dân về thực trạng và yêu cầu của lao động làm việc tại nhà, gây thêm áp lực cho chính phủ ủng hộ họ.

Đạo luật bảo vệ  Lao động làm việc tại nhà cuối cùng cũng trở thành luật năm 2010. Hiện nay, HomeNet Thái Lan và thành viên đang thúc đẩy việc thực thi luật bằng cách gây áp lực và phối hợp với Bộ Lao động và chủ sử dụng lao động  (thông qua Ủy ban Bảo vệ lao động làm việc tại nhà).

Thông tin này có hữu ích đối với bạn không? Có (0) Không (0)

Bình luận (0)

Loading...

Bài viết tương tự

Đối tác của chúng tôi