TUYỂN DỤNG TƯ VẤN NGHIÊN CỨU: “NHU CẦU, KHẢ NĂNG THAM GIA VÀ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHẢ NĂNG THAM GIA BHXHTN CỦA LAO ĐỘNG DI CƯ TẠI VIỆT NAM”

TUYỂN TƯ VẤN NGHIÊN CỨU: “NHU CẦU, KHẢ NĂNG THAM GIA VÀ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHẢ NĂNG THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN CỦA LAO ĐỘNG DI CƯ TẠI VIỆT NAM”

ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU

NGHIÊN CỨU: “NHU CẦU, KHẢ NĂNG THAM GIA VÀ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHẢ NĂNG THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN CỦA LAO ĐỘNG DI CƯ TẠI VIỆT NAM”

 

  1. BỐI CẢNH

 

Dự án “Quyền lao động & An sinh Xã hội bình đẳng và hòa nhập cho lao động di cư”, do Oxfam tài trợ, đang được Mạng lưới Hành động vì Lao động Di cư (M.net) triển khai thực hiện từ năm 2017 – 2021. Mục đích của dự án đó là cải thiện và thực thi một cách hiệu quả các chính sách an sinh xã hội toàn dân và quyền lao động. Dự án hỗ trợ quá trình tập hợp và tổ chức những người lao động di cư trong nước thành các nhóm/tổ chức đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động di cư, tạo ra các cơ chế để họ tham gia vào đối thoại xã hội với các bên liên quan về các chủ đề như quyền lao động và tiếp cận tới và hưởng lợi công bằng từ hệ thống an sinh xã hội cho người lao động di cư.

Dự án nhằm đạt ba mục tiêu chính: tăng cường năng lực tổ chức của người lao động di cư, tăng cường năng lực vận động chính sách của các tổ chức xã hôi, và vận động để cải thiện chính sách an sinh và quyền lao động do năng lực tổ chức của nhóm lao động di cư và năng lực vận động chính sách của các tổ chức xã hội được tăng cường.

Chính phủ Việt Nam đã đặt hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) làm trọng tâm trong kế hoạch mở rộng an sinh xã hội, một trong những cách làm đó là cải thiện độ bao phủ của BHXH tự nguyện tới các nhóm lao động phi chính thức.  Sau 11 năm thực hiện BHXH tự nguyện, tính đến cuối năm 2018 cả nước có 270 nghìn người tham gia, chiếm khoảng 1,8% tổng số người tham gia BHXH, tương đương với khoảng 0,55% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi.[1]

Trong khi đó, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương đặt ra mục tiêu đến năm 2030, có 5% LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện, tương đương với khoảng 2,69 triệu người. Điều này đồng nghĩa với việc bình quân mỗi năm cần phát triển thêm trên 200 nghìn người tham gia mới. Như vậy, nếu không có những chính sách đột phá, việc hoàn thành mục tiêu mà Trung ương đặt ra là một thách thức không nhỏ trong bối cảnh hiện nay.

Có nhiều nguyên nhân đưa ra lý giải cho thực trạng đối tượng tham gia còn thấp, trong đó thời gian qua  một số kết quả nghiên cứu cũng ghi nhận ý kiến của một bộ phận người dân cho rằng chế độ BHXH tự nguyện hiện nay thiếu hấp dẫn vì chỉ có chế độ hưu trí và tử tuất (người dân phải đóng góp và chờ đợi quá lâu để hưởng chế độ); theo đó, đề nghị Nhà nước xem xét, bổ sung các chế độ ngắn hạn (ví dụ ốm đau, thai sản, trợ cấp nuôi con nhỏ) để gắn với quyền lợi “sát sườn” của người dân hơn, điều này sẽ làm tăng tính hấp dẫn của chính sách.[2]

Về thực tế, những người lao động trong khu vực phi chính thức thường có thu nhập thấp và bấp bênh, do đó khi gặp các sự kiện hoặc rủi ro (ốm đau, thai sản, nuôi con nhỏ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) trong cuộc sống sẽ ảnh hưởng rất lớn đến họ, trong khi đó những đối tượng này là chưa được bảo vệ. Lực lượng lao động di cư làm việc trong khu vực phi chính thức có nhu cầu tiếp cận và tham gia bảo hiểm xã hội nhưng họ có thể gặp phải những rào cản riêng khiến cho việc tiếp cận với BHXH tự nguyện chưa được thực hiện. Đây là khoảng trống lớn mà Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung các chế độ ngắn hạn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu và bảo vệ người lao động trong khu vực phi chính thức góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động và gia đình họ từ đó góp phần nâng cao năng suất lao động của toàn xã hội.

Từ những phân tích trên đây cho thấy việc khảo sát và đánh giá nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của người lao động di cư làm việc trong khu vực phí chính thức và những rào cản ảnh hưởng đến sự tiếp cận của họ tới bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp khuyến nghị đầu vào cho quá trình xây dựng  chính sách và điều chỉnh các quyền lợi về BHXH tự nguyện, nhằm tăng cường sự tham gia của người lao động là cần thiết, nhằm tạo điều kiện để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng, khuyến khích người lao động tham gia đóng BHXH, góp phần mở rộng diện bao phủ BHXH theo tinh thần cải cách chính sách BHXH của Chính phủ. Kết quả khảo sát sẽ là đầu vào cho các khuyến nghị điều chỉnh Luật BHXH, theo dư kiến cuối năm 2021, Chính phủ sẽ trình Quốc hội bản dự thảo Luật BHXH 2021.

Nhằm đảm đảm bảo quá trình ra quyết định chính sách có hiệu quả và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân về BHXH, đặc biệt là nhóm lao động phi chính thức, Oxfam và Mnet sẽ phối hợp với chuyên gia tiến hành nghiên cứu đánh giá khảo sát nhu cầu, khả năng thm gia, cũng như phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tham gia BHXH tự nguyện của nhóm lao động phi chính thức tại Việt Nam hiện nay. Dự kiến sẽ có một nhóm chuyên gia được tuyển chọn để hỗ trợ Mnet và Oxfam trong việc thực hiện nghiên cứu này. Các phần tiếp theo của TOR sẽ mô tả rõ hơn về yêu cầu và nhiệm vụ của việc thực hiện nghiên cứu khảo sát này.  

  1. MỤC TIÊU KHẢO SÁT
  • Phân tích thực trạng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của nhóm lao động phi chính thức tại Việt Nam hiện nay.
  • Đánh giá nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của nhóm lao động di cư làm việc trong khu vực phi chính thức;
  • Xác định và phân tích các yếu tố ảnh hưởng hoặc rào cản cản trở việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của lao động di cư làm việc trong khu vực phi chính thức;
  • Đề ra khuyến nghị chính sách nhằm điều chỉnh hoặc tăng cường hiệu quả thực hiện các quy định của Luật bảo hiểm xã hội, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của lao động di cư làm việc trong khu vực phí chính thức.

 PHẠM VI NGHIÊN CỨU

 Nghiên cứu này sẽ tập trung làm rõ một số vấn đề có liên quan đến nhu cầu và khả năng tiếp cận bảo hiểm xã hội tự nguyện của lao động di cư làm việc trong khu vực phi chính thức, do đó nghiên cứu này sẽ làm rõ một số khía cạnh cụ thể sau đây:  

 Thực trạng tiếp cận bảo hiểm xã hội tự nguyện: nghiên cứu phân tích và làm rõ thực trạng tiếp cận bảo hiểm xã hội tự nguyện của nhóm lao động di cư làm việc trong khu vực phi chính thức hiện nay. Trong đó phân tích mức độ bao phủ của bảo hiểm xã hội tự nguyện và sự tham tham gia của nhóm lao động di cư trong khu vực phi chính thức hiện nay.

  • Các rào cản và thách thức cản trở sự tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện: phân tích và xác định rõ các rào cản đối với lao động di cư làm việc ở khu vực phí chính thức, bao gồm các rào cản từ phía người tham gia, các rào cản từ chính sách, các rào cản từ đơn vị cung cấp dịch vụ.... Từ đó xác định những khoảng trống về chính sách và phân tích các cơ hội khỏa lấp khoảng trống chính sách và giải quyết các khó khăn, rào cản để tăng cường sự tham gia của người lao động di cư làm việc ở khu vực phi chính thức và cải thiện chất lượng, hiệu quả thực thi các quy định chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay.
  • Đánh giá nhu cầu tiếp cận và khả năng chi trả: Nghiên cứu sẽ phân tích và làm rõ nhu cầu và mối quan tâm của người lao động di cư làm việc ở khu vực phi chính thức đối với các gói quyền lợi có liên quan đến bảo hiểm xã hội, bao gồm: (1) thai sản; (2) tai nạn lao động; (3) ốm đau; (4) tử tuất, (5) bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, đánh giá và phân tích khả năng chi trả người lao động di cư đối với việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
  • Khuyến nghị chính sách: Trên cơ sở các phát hiện về thực trạng tiếp cận bảo hiểm xã hội tự nguyện, kết quả đánh giá nhu cầu và khả năng chi trả của lao động di cư, nghiên cứu sẽ đưa ra các khuyến nghị về chính sách nhằm (1) Bổ sung hoặc điều chỉnh các quy định chính sách hiện tại liên quan đến bảo hiểm xã hội tự nguyện; hoặc (2) tăng cường chất lượng và hiệu quả thực thi các qui định luật pháp, chính sách có liên quan đến bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay.      

 

  1. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

 Nghiên cứu này sẽ sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính. Các phương pháp nghiên cứu dự kiến được sử dụng bao gồm:

 Phỏng vấn bằng bảng hỏi

 Phương pháp nghiên cứu phỏng vấn bằng bảng hỏi được sử dụng để thu thập thông tin định lượng, từ lao động di cư làm việc trong khu vực phi chính thức về nhu cầu, mối quan tâm của họ đối với các gói bảo hiểm có liên quan đến bảo hiểm xã hội và khả năng chi trả tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, cũng như xác định các rào cản cản trở người lao động di cư tham gia bảo hiểm xã hội hiện nay. Nhóm tư vấn sẽ chủ động đề xuất về cỡ mẫu cho phù hợp với thực tế và cân đối về chi phí và hiệu quả.

 Rà soát và tổng quan tài liệu

 Nhóm tư vấn sẽ tiến hành rà soát tổng quan về chính sách và các nghiên cứu cũng như các báo cáo phân tích hiện có về thực trạng tiếp cận bảo hiểm xã hội tự nguyện của nhóm lao động di cư khu vực phi chính thức tại Việt Nam; nhu cầu và mối quan tâm cũng như những rào cản, thách thức đối với việc tham gia bảo hiểm xã hội của lao động phi chính thức.    

 Phỏng vấn sâu

 Các cuộc phỏng vấn sâu cần được thực hiện với các bên liên quan để đánh giá đa chiều về các khoảng trống chính sách liên quan đến thực thi và hiệu quả của các quy định hiện có liên quan đến bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhu cầu của người lao động di cư đối với các gói bảo hiểm xã hội tự nguyện; những khó khăn và rào cản cản trở sự tham gia bảo hiểm xã hội của lao động di cư làm việc khu vực phi chính thức và những khuyến nghị nhằm tăng cường sự tham gia bảo hiểm xã hội của lao động phi chính thức và điều chỉnh các chính sách có liên quan đến bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nhóm tư vấn chủ động đề xuất các bên liên quan phù hợp, bao gồm: cơ quan thực thi chính sách bảo hiểm xã hội; người lao động di cư và các bên liên quan khác.  

 5. ĐẦU RA MONG ĐỢI

 Nhóm tư vấn được chọn sẽ cung cấp cho M.net và Oxfam một số sản phẩm đầu ra sau đây:

  • Đề xuất kỹ thuật thực hiện nghiên cứu, trong đó mô tả rõ về phương pháp, đối tượng, địa bàn, các thức chọn mẫu, nhóm chuyên gia và dự trù kinh phí thực hiện nghiên cứu.
  • Bộ công cụ nghiên cứu (kết hợp định lượng và định tính)
  • Đề cương báo cáo
  • Dự thảo báo cáo kết quả nghiên cứu: mô tả các phát hiện của nghiên cứu
  • Bản dự thảo báo cáo cuối cùng được điều chỉnh và chỉnh sửa dựa trên ý kiến góp ý của Mnet và các bên liên quan.

 6.YÊU CẦU ĐỐI VỚI NHÓM CHUYÊN GIA

Vui lòng xem chi tiết ở file đính kèm

../../../uploads/tiny_uploads/20210521%20Mnet_NC%20BHXH%20tu%20nguyen_Oxfam%20comment_GFCD%20ch%E1%BB%89nh%20s%E1%BB%ADa.docx

Nộp hồ sơ:

Các cá nhân/nhóm tư vấn quan tâm vui lòng chuẩn bị hồ sơ gồm:

  • Email bày tỏ sự quan tâm và mức phí tư vấn mong đợi.
  • Lý lịch, kinh nghiệm làm việc của tư vấn
  • Đề xuất kỹ thuật bao gồm báo giá về chi phí tư vấn thực hiện hoạt động nghiên cứu.

 

Hồ sơ được gửi vào địa chỉ:

Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD)

Phòng 1608 – Tòa Lucky House– 30 Phạm Văn Đồng, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

Email: gfcd08@gmail.com

Điện thoại: 0246.683.7799

Hạn nộp hồ sơ đến 17h00 ngày 27/5/2021. Chúng tôi sẽ liên hệ với ứng cử viên phù hợp với nhiệm vụ

 

[1] Số liệu từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trích lại từ https://nhandan.com.vn/bhxh-va-cuoc-song/de-xuat-thi-diem-ba-goi-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-ngan-han-linh-hoat-376743/

[2] Oxfam & Mnet (2019). Tham vấn về tiếp cận bảo hiểm xã hội tự nguyện của nhóm lao động di cư

Tuyển dụng tương tự

Đối tác của chúng tôi