Thực trạng sức khỏe sinh sản ở việt nam

Thanh niên vị thành niên được coi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội đã trở thành nhóm mục tiêu của các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông (iec) về skss ở việt nam.

Chỉ số nhân khẩu học và chỉ số kinh tế đã nói lên thành công của Việt Nam, tuy nhiên quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng và mức độ di chuyển dân cư ra thành thị tăng đang dần làm thay đổi cơ cấu và chức năng của xã hội. Việt Nam hiện nay đang đứng trước cả cơ hội lẫn thách thức, bao gồm cả trong lĩnh vực y tế.

Sự đóng góp của mỗi cá nhân đối với những thay đổi của nền kinh tế phụ thuộc vào vị trí, trình độ, sức khỏe, hoàn cảnh gia đình và cơ hội của bản thân họ. Nhiều phụ nữ Việt Nam không có cả phương tiện cần thiết để tiếp cận các lợi ích do kinh tế phát triển mang lại, đặc biệt là với phụ nữ các dân tộc thiểu số và nông thôn thậm chí còn bị cách biệt với điều kiện bên ngoài. Sự thiếu hụt tài nguyên và tình trạng nghèo đói kéo dài ở các vùng miền làm cho việc chăm sóc sức khỏe hết sức hạn chế và kém chất lượng. Hậu quả là hiện đang tồn tại sự khác biệt lớn giữa tình trạng sức khỏe của bà mẹ ở nông thôn và thành thị.

Sự phát triển của xã hội cũng đồng thời tạo ra những thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS). Thanh niên vị thành niên được coi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội đã trở thành nhóm mục tiêu của các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông (IEC) về SKSS ở Việt Nam. Thanh niên Việt Nam ngày nay đã có sự thay đổi về tập quán và văn hóa, như lập gia đình ở độ tuổi muộn hơn và gia tăng quan hệ tình dục trước hôn nhân. Thiếu số liệu điều tra về các trường hợp viêm nhiễm lây truyền qua đường tình dục (STIs) đã gây khó khăn cho việc lập báo cáo chính xác, tuy nhiên trong một nghiên cứu được thực hiện vào năm 1997 đã ước tính rằng sự lây lan của các viêm nhiễm lây truyền qua đường tình dục đã tăng lên 10 lần trong thập kỷ qua. Dường như tình trạng này đã không được cải thiện, đặc biệt là trong điều kiện hiện nay khi mà số công nhân lao động nhập cư sống xa nhà, xa người thân đang làm tăng nguy cơ lây nhiễm nhiều hơn so với trước đây.

Vấn đề HIV/AIDS tại Việt Nam thực sự đáng lo ngại, số ca nhiễm HIV/AIDS theo báo cáo hiện nay thấp hơn so với số thực tế. Thêm vào đó, rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng thường đề cập đến HIV/AIDS cùng với các tệ nạn xã hội như nghiện hút hay mại dâm, đã là nguyên nhân gây ra kỳ thị của xã hội đối với những người bị nhiễm bệnh. Một thực tế đáng chú ý là “nạn dịch” này có nguy cơ sẽ lây sang rất nhiều người khác thông qua những khách hàng là gái mại dâm, đặc biệt cho đối tượng là công nhân lao động xa nhà. Kết quả là, chị em phụ nữ có quan hệ tình dục, có nguy cơ lây nhiễm HIV và từ đó có khả năng lây truyền cho con nếu có mang.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt trong lĩnh vực SKSS là vấn đề nạo phá thai. Ý thức phòng tránh thai kém cùng với nhận thức không đầy đủ về nguy cơ của phá thai, đặc biệt là phá thai không an toàn và cũng có thể là việc sử dụng các biện pháp tránh thai không thường xuyên được phản ánh thông qua tỷ lệ nạo phá thai cao và tỷ lệ này đang tiếp tục gia tăng ở Việt Nam. Với tỷ lệ nạo phá thai cao nhất ở Đông Nam Á và là một trong những nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam nạo phá thai 2.5 lần trong đời (2002). Đáng ngại là trong khi thông tin, giáo dục, truyền thông đã nỗ lực nâng cao nhận thức của người dân nhưng rõ ràng họ chưa thực sự thay đổi được hành vi của mình. Nhiều bạn gái trẻ thiếu kiến thức cơ bản về tình dục hoặc không tin tưởng vào việc dùng bao cao su hay không yêu cầu bạn tình sử dụng bao cao su. Hơn nữa, sự nhìn nhận một cách tiêu cực về nạo phá thai đã gây nên tình trạng nhiều phụ nữ tiến hành nạo phá thai ở nơi bí mật và bất hợp pháp. Ở Việt Nam mỗi tuần có 1 phụ nữ tử vong vì nạo phá thai không an toàn.

Quỹ dân số liên hợp quốc (UNFPA) đã nêu ra các vấn đề chủ yếu sau trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản ở Việt Nam:

  • Tỷ lệ tránh thai phổ biến cao (75%), trong đó đa số chị em phụ nữ sử dụng vòng tránh thai (IUDs) và các biện pháp tránh thai tự nhiên. Việc tiếp cận các biện pháp tránh thai hiện đại còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 52.6%
  • Không phải tất cả người dân Việt Nam đều dễ dàng tiếp cận các thông tin và dịch vụ về sức khỏe sinh sản. Vị thành niên, thanh niên chưa lập gia đình, và những người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt đối mặt với những khó khăn trong việc tìm kiếm và tiếp cận các thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản có chất lượng.
  • Tỷ lệ phụ nữ ở độ tuổi sinh sản mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản (20%) và nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục cao (25%).
  • Những đóng góp của y tế công đã góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong mẹ và con, tuy nhiên tử vong mẹ vẫn còn ở mức cao (29.9/1000), đặc biệt ở miền trung cao nguyên và các tỉnh miền núi phía bắc.

Kêu gọi hành động của MSIVN:

“Đầu tư vào lĩnh vực Sức khỏe Sinh sản là ưu tiên phát triển hàng đầu”

Thông tin này có hữu ích đối với bạn không? Có (1) Không (0)

Bình luận (0)

Loading...

Bài viết tương tự

Đối tác của chúng tôi