Phân tích chính sách phát triển xã hội liên quan đến lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, việt nam đã có một số đổi mới trong chính sách phát triển xã hội liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm cả thiện môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho mọi trẻ em.

Phân tích chính sách phát triển xã hội liên quan đến lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em  Công ước LHQ về quyền trẻ em đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới ký và phê chuẩn, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy mà vấn đề quyền của trẻ em đã được các quốc gia đặt lên hàng đầu trong chương trình lập pháp và được đưa vào chiến lược hoặc chương trình phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm. Công ước về quyền trẻ em cũng đã mở đường cho việc tăng cường bảo vệ trẻ em theo quan điểm hệ thống, bảo đảm cho trẻ em quyền được bảo vệ, không bị xâm hại, xao nhãng, bạo lực, bóc lột và phân biệt đối xử. Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, Việt Nam đã có một số đổi mới trong chính sách phát triển xã hội liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm cả thiện môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho mọi trẻ em.

1. Đánh giá chung

Thứ nhất, Chính sách Bảo vệ, chăm sóc trẻ em chuyển từ xây dựng luật pháp, chính sách, chương trình đến từng nhóm đối tượng trẻ em yếu thế trong xã hội sang xây dựng khung pháp lý toàn diện.

Chính sách Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trước kia chỉ tập trung giải quyết hậu quả, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt[1], tuy nhiên trong những năm gần đây đã chú trọng đến việc chủ động phòng ngừa, can thiệp sớm, loại bỏ những nguy cơ cho mọi trẻ em trước khi bị tổn hại. Ví dụ: từ các chính sách phân tán, nhỏ lẻ như Quyết định 19/2004/QĐ-TTg của Chính phủ tập trung giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc nguy hiểm, Quyết định 84/2009/QĐ-TTg của Chính phủ về kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDs, Quyết định 589/QĐ-LĐTBXH của Bộ LĐ-TBXH về phòng ngừa tai nạn thương tích trẻ em… nay chuyển sang xây dựng Chương trình quốc gia Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 (Quyết định 267/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/2/2011) nhằm phát triển Hệ thống bảo vệ trẻ em trong đó có hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bao gồm: luật pháp quốc gia, các văn bản quy phạm pháp luật, dưới luật liên quan đến bảo vệ trẻ em và các chính sách xã hội. Đặc biệt, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020 (Quyết định 1555/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/10/2012) đã đưa ra khung chương trình, chính sách đầu tư cho trẻ em trung hạn và dài hạn nhằm hướng tới một khung chính sách toàn diện cho trẻ em.

Tuy nhiên, mức chuẩn trợ cấp xã hội và các mức chuẩn khác trong hệ thống an sinh xã hội chưa được nghiên cứu, gắn kết trong một hệ thống để tạo nên mái nhà an sinh (mức chuẩn trợ cấp người có công, mức chuẩn bảo hiểm xã hội, mức sống tối thiểu, chuẩn nghèo…). Tuy gọi là hệ thống an sinh xã hội, nhưng trên thực tế nó mới chỉ là hệ thống về mặt hình thức, chưa mang tính hệ thống về mặt nội hàm; điều này cũng có thể gây nên tình trạng bất bình đẳng xã hội từ khâu hoạch định chính sách an sinh xã hội. Hệ thống chính sách, chương trình trợ giúp xã hội đối với trẻ em gồm: (1) hỗ trợ nuôi dưỡng, chăm sóc thay thế bằng tiền mặt để duy trì mức sống tối thiểu; (2) Trợ giúp tiếp cận giáo dục; (3) Trợ giúp tiếp cận y tế, chỉnh hình, phục hồi chức năng; (4) Trợ giúp học nghề, tạo việc làm; (5) Trợ giúp tiếp cận công trình công cộng; (6) Trợ giúp các hoạt động văn hóa; (7) Trợ giúp đột xuất khác … đang nằm phân tán ở nhiều đơn vị quản lý thuộc nhiều bộ ngành theo nhóm vấn đề khác nhau liên quan đến trẻ em. Quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, chồng chéo. Chính sách xã hội còn chậm đổi mới so với chính sách kinh tế. Một trẻ em yếu thế hoặc gia đình nuôi dưỡng trẻ có thể nhận được nhiều chính sách trong khi nhóm trẻ em yếu thế khác lại không được hưởng chính sách nào. Trợ giúp xã hội ở cộng đồng: năm 2011 trợ cấp 1,673 triệu người (trong đú cú trẻ em), chiếm gần 2% dõn số.  Phân bổ nguồn lực an sinh xã hội không đồng đều, chưa tính đến yếu tố tự an sinh của gia đình trẻ yếu thế. Tình trạng "rò rỉ” đối tượng trợ giúp xã hội là khá phổ biến, mức độ rò rỉ do xác định đối tượng chưa đúng dẫn đến khoảng 14-17% số người được hưởng trợ cấp xã hội chưa đúng đối tượng trợ giúp; ngược lại cũng còn một số đối tượng cần được trợ giúp thì lại bị “bỏ sót”. Nguyên nhân chính là thiếu đội ngũ cán bộ xã hội mang tính chuyên nghiệp ở cộng đồng.

Thứ hai, Xây dựng được hệ thống chính sách và chương trình toàn diện theo hướng tiếp cận từ đáp ứng nhu cầu trẻ em sang đảm bảo quyền cho mọi trẻ em trong xã hội.

Các đối tượng được hưởng chính sách xã hội và dịch vụ công không giới hạn trong 10 nhóm trẻ em có HCĐB quy định trong Luật BVCSGDTE mà mở rộng ra các nhóm có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt[2] hướng tới một môi trường pháp lý và hành chính gọn nhẹ, dịch vụ mang tính chuyên nghiệp, từng bước hội nhập với quốc tế; Tiết kiệm được chi phí xã hội trong việc chi tiêu xử lý các vấn đề xã hội liên quan đến trẻ em và thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế -xã hội còn khó khăn, thiên tai xảy ra thường xuyên, nguồn lực thực hiện các chính sách xã hội cho trẻ em còn rất hạn hẹp, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước; chưa động viên, thu hút được nhiều sự tham gia của xã hội và khuyến khích gia đình trẻ yếu thế tự vươn lên. Mức trợ cấp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn thấp so với mức sống trung bình của cộng đồng dân cư (ước tình chỉ bằng 30%), so chuẩn nghèo trong từng giai đoạn (khoảng) 36-45% chuẩn nghèo. Chưa bảo đảm được mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đặc biệt ở khu vực miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất thấp; Chênh lệch các chỉ số về an sinh xã hội giữa miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mức trung bình của cả nước còn lớn. Một số tỉnh nghèo thu không đủ chi, thu không kịp nhu cầu chi dẫn đến tình trạng chi trả trợ cấp chậm thậm chí dồn 2-3 tháng mới chi trả một lần; như vậy đời sống của các đối tượng này càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, điều kiện địa lý đa dạng, trải dài với văn hóa nhiều sắc tộc dẫn đến hạn chế về nhận thức của người dân ở các vùng miền khác nhau. Vì vậy, hướng tiếp cận xây dựng hệ thống chính sách chưa thể đảm bảo quyền ngay được mà vẫn tập trung chính vào đáp ứng nhu cầu.

Thứ ba, Định hướng chính sách phát triển xã hội về lĩnh vực BVCSTE đến năm 2020

Theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, một số vấn đề có liên quan đế chính sách phát triển xã hội liên quan đến BVCSTE như sau:

- Về trợ giúp xã hội trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp; nâng dần mức trợ cấp xã hội thường xuyên phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước. Xây dựng mức sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội làm căn cứ xác định người thuộc diện được hưởng trợ giúp xã hội. Tiếp tục hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội. Củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội, phát triển mô hình chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào triển khai các mô hình chăm sóc trẻ mồ côi, người khuyết tật. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 2,5 triệu người được hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên, trong đó có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

- Bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em, đặc biệt trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ em dân tộc thiểu số: a) Bảo đảm giáo dục tối thiểu: Tăng số lượng học sinh trong các trường dân tộc nội trú, mở rộng mô hình trường bán trú; xây dựng và củng cố nhà trẻ trong khu công nghiệp và vùng nông thôn. Xây dựng đề án phổ cập mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi. Nâng cao chất lượng phổ cập trung học cơ sở, đặc biệt là đối với con em hộ nghèo, dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Phấn đấu đến năm 2020 có 99% trẻ em đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học, 95% ở bậc trung học cơ sở; 98% người trong độ tuổi từ 15 trở lên biết chữ; trên 70% lao động qua đào tạo; b) Bảo đảm y tế tối thiểu: Cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các tuyến cơ sở, ưu tiên các huyện nghèo, xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Đến năm 2020, trên 90% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân 10%; c)Nâng cao hiệu quả sử dụng bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, các hộ nghèo. Đến năm 2020 trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế. d) Bảo đảm nhà ở tối thiểu; e) Bảo đảm nước sạch; f) Bảo đảm thông tin

- Đảm bảo Quyền trẻ em cho mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện; Giảm thiểu bất bình đẳng về mức sống, về cơ hội phát triển giữa các nhóm trẻ em khác nhau; Tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc trong xã hội liên quan đến ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột, xao nhãng trẻ em, mại dâm trẻ em, trẻ em nghiên ma túy, vi phạm phát luật... dảm bảo ổn định trật tự xã hội.

 2. Khung phân tích chính sách liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Tải khung phân tích tại đây: Khung phân tích

Thông tin này có hữu ích đối với bạn không? Có (0) Không (0)

Bình luận (0)

Loading...

Bài viết tương tự

Đối tác của chúng tôi