Nghiên cứu mới của ilo: 164 triệu người trên thế giới là lao động di cư

Nghiên cứu cho biết một số nước xuất cư đang mất đi một phần lực lượng lao động có năng suất cao nhất.

 GENEVA –Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính có 164 triệu người hiện là lao động di cư, tăng 9% kể từ 2013, khi con số này là 150 triệu. 

Theo Báo cáo nghiên cứu ấn hành lần thứ 2 của Tổ chức Lao động Quốc tế Ước tính toàn cầu về lao động di cư quốc tế , giai đoạn 2013 - 2017, đa số lao động di cư – 96 triệu người – là nam giới, so với 68 triệu là phụ nữ. Điều này cho thấy tỷ lệ nam lao động di cư tăng, từ 56% lên 58%, và nữ lao động di cư giảm 2 điểm phần trăm, từ 44% xuống 42%.

“Trong khi có sự gia tăng về số lượng phụ nữ di cư độc lập để tìm việc làm trong vòng hai thập niên qua, phân biệt đối xử mà họ thường phải đối mặt do giới và quốc tịch làm giảm cơ hội việc làm của họ tại nước đến so với nam giới”, Manuela Tomei, Giám đốc Vụ Điều kiện việc làm và Bình đẳng của ILO nói. 

Gần 87% lao động di cư đang trong độ tuổi lao động quan trọng nhất, từ 25 đến 64 tuổi. Điều này cho thấy một số nước xuất cư đang mất một phần lao động hiệu quả nhất trong lực lượng lao động của mình. Báo cáo cũng cho biết việc này có thể có tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế của các nước này. 

Xu hướng khu vực

Báo cáo đưa ra bức tranh toàn diện về các tiểu khu vực và các nhóm thu nhập nơi lao động di cư đang làm việc. 

Trong tổng số 164 triệu lao động di cư trên toàn thế giới, có khoảng 111,2 triệu người (67,9%) sống tại các nước thu nhập cao, 30,5 triệu (18,6%) tại các nước thu nhập trung bình cao, 16,6 triệu (10,1 %) tại các nước thu nhập trung bình thấp và 5,6 triệu (3,4 %) tại các nước thu nhập thấp. 

Lao động di cư chiếm 18,5 % lực lượng lao động tại các nước thu nhập cao, nhưng chỉ chiếm 1,4 – 2,2 % tại các nước thu nhập thấp. Từ 2013 đến 2017, lao động di cư tại các nước thu nhập cao giảm từ 74,7% xuống 67,9%, trong khi tỷ lệ lao động di cư tại các nước thu nhập trung bình cao tăng lên. Điều này có thể là do phát triển kinh tế của các nước này. 

Gần 61 % lao động di cư tập trung ở 3 tiểu khu vực; 23,0 % ở Bắc Mỹ, 23,9 % Bắc, Nam và Tây Âu và 13,9 % ở các nước Ả-rập. Các khu vực khác có số lao động di cư đông – trên 5 % – gồm Đông Âu, Tiểu vùng Sahara Châu Phi, Đông Nam Á và Thái Bình Dương và Trung và Tây Á. Ngược lại, Bắc Phi chỉ có dưới 1 % lao động di cư. 

Cần có số liệu toàn diện

Các tác giả của Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu thập số liệu thống kê cân đối và toàn diện hơn về di cư tại cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. ILO dự kiến đưa ra ước tính toàn cầu về lao động di cư quốc tế đều đặn để thông tin tốt hơn cho việc ra quyết định và góp phần thực hiện Hiệp ước toàn cầu về di cư an toàn, trật tự và hợp pháp. 

“Di cư lao động quốc tế là ưu tiên chính sách đang nổi lên và cần đáp ứng công bằng lợi ích của cả các nước xuất cư, các nước nhập cư và người lao động di cư.” Ông Rafael Diez de Medina, Người đứng đầu về thống kê và Giám đốc Vụ Thống kê của ILO cho biết. 
Ông nói: “Để hiệu quả và phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, các chính sách phải được xây dựng trên cơ sở bằng chứng rõ ràng, bao gồm số lượng người lao động di cư quốc tế, đặc điểm và mô hình việc làm của họ. Đúng vậy, do nhu cầu cấp bách này, Hội nghị quốc tế thống kê lao động lần thứ 20 vừa qua đã thông qua hướng dẫn cách đo lường tốt hơn di cư lao động quốc tế trên toàn thế giới. Chúng ta tin tưởng rằng thông qua hướng dẫn này các nước sẽ đưa ra số liệu tốt hơn và vì thế sẽ có ước tính toàn cầu chính xác hơn.” 

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)

Thông tin này có hữu ích đối với bạn không? Có (1) Không (0)

Bình luận (0)

Loading...

Bài viết tương tự

Đối tác của chúng tôi