Lao động phi chính thức dễ bị tổn thương trong dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: HNV)

Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã công bố dự định ban hành Nghị quyết của Chính phủ về Gói an sinh xã hội khoảng 2,6 tỉ đô la Mỹ nhằm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng nhất trong đại dịch COVID-19 vốn đang tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Dự kiến, gói an sinh xã hội sẽ hỗ trợ 6 nhóm đối tượng, bao gồm người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh; và người lao động không có giao kết hợp đồng lao động hoặc lao động mất việc làm. 

Để đồng hành với Chính phủ Việt Nam, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, Mnet và tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã tiến hành đánh giá nhanh các nhóm lao động dễ bị tổn thương nhất bởi đại dịch COVID-19. Đánh giá được thực hiện trong nửa cuối tháng 3/2020, với sự tham gia của 2.000 người lao động tự do và lao động di cư làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy, đại dịch COVID-19 hiện đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm và thu nhập của nhóm người này, bao gồm những người thu gom rác thải, người giúp việc gia đình, người bán hàng rong, người buôn bán nhỏ không có giấy phép kinh doanh, lái xe ôm, xe taxi, người làm nghề bốc vác xe đẩy tại các chợ đầu mối, và người giúp việc tại các cơ sở dịch vụ kinh doanh ngành dịch vụ.

Ngay cả trong điều kiện bình thường, mức thu nhập cơ bản của hầu hết lao động di cư từ các nhóm trên cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu. Lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức, đặc biệt là lao động di cư, không được tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, do đa phần họ không có hợp đồng lao động; không có bảo hiểm xã hội và cơ hội việc làm. Thu nhập của các nhóm này rất bấp bênh và thường chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các cú sốc. Kết quả khảo sát nhanh ghi nhận hầu hết nhóm lao động này hiện đang bị giảm hoặc mất việc làm. Mất và giảm sút thu nhập nghiêm trọng.

Người giúp việc gia đình đa số làm theo giờ và không có hợp đồng lao động nên không có bất kỳ cam kết lâu dài về công việc. Khi mất việc làm, người lao động không được hưởng bất kỳ quyền lợi gì.

Người bán hàng rong các mặt hàng không thuộc danh mục thiết yếu không được tiếp tục làm việc và kinh doanh khi thực hiện chính sách “giãn cách xã hội”. Chị T., thành viên CLB tự lực phường Phúc Xá, cho biết: “Từ khi có dịch đến giờ, việc bán hàng ở các vỉa hè bị hạn chế và đến nay đã dừng hẳn để phòng bệnh. Tôi cũng hiểu đây là biện pháp hết sức cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe của mọi người. Tuy nhiên, do chi tiêu của tôi và gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào việc buôn bán hàng ngày, bây giờ không đi bán hàng, không có ai thuê làm nên tôi đang phải cầm cự cho các chi tiêu ăn uống, sinh hoạt tối thiểu hàng ngày.”

Phần lớn người lái xe ôm, taxi trong tình trạng vay nợ để mua phương tiện kinh doanh hiện đang mất việc làm, mất khả năng trả nợ, nguy cơ rơi vào đói nghèo là rất cao.

Người thu gom rác hàng ngày vẫn phải thực hiện công việc, đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm dịch bệnh cao. Tuy nhiên, họ không có đủ các hướng dẫn và hỗ trợ trang thiết bị phù hợp để phòng chống lây nhiễm.

Một số lao động di cư do không có việc làm đã kịp thời về quê, nhưng còn khoảng trên 50% lao động vẫn đang ở tại Hà Nội. Phần lớn không có việc làm và thu nhập. Trong khi đó, họ vẫn phải chi trả các chi phí hàng tháng như nhà ở, điện nước, và không có sự hỗ trợ từ gia đình ở quê. Họ đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm thiết yếu. 

Các nhóm lao động tự do, lao động di cư cũng thiếu các phương tiện bảo hộ (khẩu trang đảm bảo chất lượng, nước rửa tay sát khuẩn...) và thiếu kiến thức về phòng ngừa và bảo vệ trước các nguy cơ lây nhiễm.

Để đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau, Báo cáo đã khuyến nghị gói an sinh xã hội của Chính phủ cần đặc biệt lưu ý:

Thứ nhất, có các tiêu chí rõ ràng để xác định đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, bao gồm các nhóm người lao động sau: (1) không có hợp đồng lao động, hoặc có ký hợp đồng lao động nhưng bị hủy hợp đồng do dịch bệnh; (2) hiện có mức thu nhập dưới mức thu nhập tối thiểu theo quy định; (3) hiện đang thuê trọ trên địa bàn – đối với người lao động di cư; (4) hiện giảm hoặc không có việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh; (5) đang có vay ngân hàng để buôn bán, kinh doanh nhỏ; (6) người lao động và thành viên trong gia đình bị bệnh hiểm nghèo; và (7) người làm công việc có nguy cơ lây nhiễm cao. Việc thống kê số lượng cần dựa trên số người thực tế có trên địa bàn, gồm cả những người có thể không (hoặc chưa) có hộ khẩu và đăng ký thường trú.

Thứ hai, cần đảm bảo người lao động tự do, lao động di cư ở khu vực phi chính thức gồm (1) lao động giúp việc gia đình, (2) người bán hàng rong, (3) lao động thu gom rác (4) Người làm nghề bốc vác xe đẩy tại các chợ đầu mối, (5) lái xe ôm, (6) lái xe taxi (không có hợp đồng lao động), và (7) người giúp việc tại các cơ sở dịch vụ kinh doanh và ngành dịch vụ, là nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp từ gói an sinh xã hội của Chính phủ.

Thứ ba, xây dựng các chính sách ưu đãi vay tín dụng với lãi suất vay phù hợp, áp dụng tương tự như hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo. Giãn nợ và giảm lãi suất cho các khoản vay thương mại hiện tại cho các nhóm đối tượng trên.

Thứ tư, cung cấp thông tin, kiến thức và hướng dẫn cách thức bảo vệ khỏi các nguy cơ lây nhiễm bệnh dựa trên đặc thù môi trường công việc của từng nhóm lao động tự do và lao động di cư. 

Thứ năm, nguồn ngân sách hỗ trợ cho các nhóm người lao động di cư bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở trên được tính toán và chi trả từ nguồn ngân sách địa phương nơi người lao động di cư đang làm việc.

Thứ sáu, việc xác định tiêu chí, đối tượng thụ hưởng, và triển khai gói hỗ trợ nên tham vấn và phối hợp với các tổ chức xã hội có kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu về thực trạng của các nhóm người lao động bị ảnh hưởng nặng nề.

Mạng lưới Hành động vì Lao động di cư (Mnet), gồm 06 tổ chức thành viên, bao gồm Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT) Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng (GFCD), Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), và Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn Công tác Xã hội và Phát triển Công đồng (SDRC), Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam (VIJUSAP), và Trung tâm Nghiên cứu Hỗ trợ Gia đình và Phát triển Cộng đồng (CFSCD) - đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích ích hợp pháp cho người lao động di cư di cư tại Việt Nam trong nhiều năm qua.  

Oxfam là liên minh quốc tế gồm 20 tổ chức thành viên, cùng phối hợp hoạt động tại hơn 90 quốc gia trên thế giới - một phần của phong trào toàn cầu nhằm đem lại tác động lớn hơn trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng. Hoạt động của Oxfam tại Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực phát triển nông thôn, giảm thiểu rủi ro và ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa, phát triển xã hội dân sự và cộng đồng thiểu số, nâng cao vị thế phụ nữ.