để gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội

Từ khi tham gia cedaw, trong hệ thống pháp luật việt nam, từ hiến pháp cho đến các đạo luật đều khẳng định sự bình đẳng về mọi mặt giữa nam và nữ, đồng thời nhiều chính sách và văn bản pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình (blgđ) đã được ban hành.

“Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách". Đó là tinh thần đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp nối nhằm khẳng định một lần nữa quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề gia đình và xây dựng gia đình văn hóa.

Quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta về phòng, chống bạo lực gia đình

Việt Nam đã tham gia Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước về quyền trẻ em đã lần lượt được Liên hợp quốc phê chuẩn ngày 18-12-1979 và ngày 20-11-1989.  Từ đó, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, từ Hiến pháp cho đến các đạo luật đều khẳng định sự bình đẳng về mọi mặt giữa nam và nữ, đồng thời nhiều chính sách và văn bản pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) đã được ban hành.

Năm 2005, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21-2-2005, về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ngày 9-5-2011, Ban Bí thư tiếp tục ra Thông báo số 26-TB/TW, về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó nêu rõ: nếu không quan tâm, củng cố, ổn định và xây dựng gia đình thì gia đình Việt Nam sẽ dễ bị suy yếu, dẫn đến suy yếu động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về gia đình, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật thể hiện rõ quan điểm này, như: Hiến pháp năm 1992, Bộ Luật Lao động, Bộ Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình (năm 2000); Luật Bình đẳng giới (năm 2006); Luật Phòng, chống BLGĐ (năm 2007); Pháp lệnh Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (năm 2012)…

Trong các văn kiện, văn bản quy phạm pháp luật này, có những điểm, điều khoản quy định rất cụ thể về quyền được bảo vệ, quyền bình đẳng về mọi mặt cũng như những điều cấm liên quan đến bạo hành với phụ nữ. Hiến pháp năm 1992 quy định: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự”. Xây dựng quan hệ vợ - chồng là quan hệ hôn nhân tự nguyện, bình đẳng... Cấm các hành vi ngược đãi, hành vi xúc phạm danh dự, uy tín của nhau”. Điều 21, Luật Hôn nhân và gia đình quy định các biện pháp ngăn chặn và xử lý những hành vi BLGĐ của chồng đối với vợ, con hoặc ngược lại… Nghị định số 08/2008/NĐ-CP ngày 04-02-2009, Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống BLGĐ, đã quy định tại Điều 8: không cho phép người có hành vi BLGĐ thực hiện các hành vi đến gần nạn nhân trong khoảng cách dưới 30m; trừ trường hợp giữa người có hành vi BLGĐ và nạn nhân có sự ngăn cách như tường, hàng rào hoặc các vật ngăn cách khác, bảo đảm đủ an toàn cho nạn nhân; sử dụng điện thoại, fax, thư điện tử hoặc các phương tiện thông tin khác để thực hiện hành vi bạo lực với nạn nhân…

Ngoài ra, một loạt các văn bản liên quan khác mang tính hướng dẫn thực hiện cũng đã được ban hành…

Ngăn chặn, loại trừ các hành vi bạo lực gia đình

Trong những năm qua, bên cạnh nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành nhằm bảo vệ sự an toàn của mỗi thành viên gia đình, Chính phủ đã có nhiều cố gắng, bằng nhiều hình thức, biện pháp để ngăn chặn và loại trừ các hành vi BLGĐ, như: Một là, mở những cuộc vận động tuyên truyền có quy mô rộng lớn về việc xây dựng gia đình văn hóa, bình đẳng và không có bạo lực. Hai là, tổ chức hoạt động can thiệp, hòa giải ở cơ sở. Ba là, tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các cơ sở hỗ trợ và tư vấn nạn nhân BLGĐ. Bốn là, tạo điều kiện, huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân cả trong và ngoài nước, đẩy mạnh các chương trình, dự án nhằm xóa bỏ bạo lực với phụ nữ, bạo hành trong gia đình.

Từ những chủ trương trên, qua quá trình thực hiện đã đạt được một số kết quả nhất định. Kết quả điều tra, nghiên cứu của Tổng cục Thống kê, Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Dân số Liên hợp quốc thực hiện trong hai năm 2009, 2010 về BLGĐ đã cho thấy, bạo lực gia đình ở Việt Nam đã có chuyển biến tích cực mặc dù vẫn còn khá phổ biến. Cụ thể, cứ một trong ba phụ nữ đã từng kết hôn (34%) từng bị bạo lực thể xác hoặc tình dục do chồng hoặc bạn tình gây ra, tuy nhiên, số phụ nữ bị bạo lực trong 12 tháng qua là 27%, số phụ nữ hiện tại vẫn đang bị bạo lực chỉ có 9%. Theo nghiên cứu, khoảng 5% phụ nữ từng có thai đã bị chính người cha của đứa trẻ mình đang mang trong bụng lạm dụng, đánh đập trong thời gian mang thai. Cứ bốn phụ nữ có con dưới 15 tuổi thì có một người cho biết con của họ đã từng bị chồng họ bạo hành thể xác. Tại một số vùng ở Việt Nam, cứ 10 phụ nữ thì có bốn người nhận thấy gia đình không phải là nơi an toàn đối với họ. Ví dụ, ở vùng Đông Nam Bộ, 42% phụ nữ cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục. Tỷ lệ phụ nữ đang, đã từng là nạn nhân của bạo lực gia đình dao động từ 8% (người H’Mong) đến 36% (người Kinh).

Giải pháp để chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước được phát huy hiệu quả cao

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và đầu tư nguồn lực của chính quyền các cấp; xây dựng và hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện từ Trung ương tới cơ sở; tăng cường sự tham gia, phối hợp của các bộ, ngành, đoàn thể và toàn xã hội trong công tác phòng, chống BLGĐ.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ. Đồng thời, tăng cường giáo dục pháp luật để pháp luật thực sự phát huy hiệu quả trong cuộc sống.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả của thông tin, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống BLGĐ nhằm thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử về gia đình và BLGĐ, nhất là tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, tập trung vận động nam giới nâng cao hiểu biết về quyền của phụ nữ.

Thứ tư, xây dựng khung giám sát, cơ chế giám sát việc triển khai thực thi Luật từ Trung ương đến cơ sở.

Thứ năm, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, trao đổi thông tin để học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ giữa các địa phương, giữa các quốc gia trong khu vực và toàn cầu.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế, bảo đảm sự hài hòa giữa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia với hệ thống luật pháp Việt Nam trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ.

Thông tin này có hữu ích đối với bạn không? Có (0) Không (0)

Bình luận (0)

Loading...

Bài viết tương tự

Đối tác của chúng tôi