Báo cáo tóm tắt tổng quan về lao động giúp việc gia đình

Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội chất lượng cuộc sống của người dân việt nam trong khoảng gần 20 năm qua được nâng cao rõ rệt; trong những đóng góp cho sự phát triển đó có vai trò của lực lượng lao động giúp việc gia đình (lđgvgđ).

Họ đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giải phóng phụ nữ làm việc ngoài xã hội với cường độ cao khỏi gánh nặng công việc trong gia đình, có nhiều thời gian hơn dành cho sự nghiệp, học hành, nghỉ ngơi, giải trí..., bên cạnh đó, GVGĐ còn mang lại thu nhập tương đối ổn định cho nhiều lao động, đặc biệt là lao động nữ ở nông thôn có trình độ học vấn thấp, không có nghề nghiệp ổn định. Chính vì vậy, nhu cầu xã hội đối với loại hình lao động này ngày một gia tăng. Theo Trung tâm Dự báo và Thông tin thị trường lao động Quốc gia dự đoán, số lượng việc làm liên quan tới GVGĐ sẽ tăng từ 157.000 người năm 2008 lên tới 246.000 người vào năm 2015.

LĐGVGĐ mang đậm nét đặc trưng về giới với 98,7% lực lượng lao động là phụ nữ, xuất thân chủ yếu từ nông thôn, gia cảnh khó khăn, nghề nghiệp không ổn định, một số lớn tuổi không có chồng, bị góa hoặc ly hôn... Bên cạnh đó, môi trường làm việc của người GVGĐ thường khép kín trong không gian nhà của người sử dụng lao động (gia chủ), vì vậy quan niệm xã hội ít nhiều thiếu sự tôn trọng đối với NGV. Trên thực tế GVGĐ vẫn chưa được công nhận là một nghề, chưa được quản lý và đào tạo. Chính vì những đặc thù này, LĐGVGĐ dễ phải đối mặt các nguy cơ như bị mắng chửi, đánh đập, đe dọa, bị lạm dụng sức lao động, lạm dụng tình dục... nguy cơ không được gia chủ thực hiện đúng thỏa thuận ban đầu về công việc, thời gian, tiền lương,... hoặc các quyền lợi của họ không được đảm bảo, ví dụ như quyền được chi trả một phần bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH), ...

Nhìn nhận vai trò của GVGĐ cũng như những bất cập trên, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực tích cực nhằm bảo vệ LĐGVGĐ được thể hiện tại 5 Điều (từ Điều 179 đến Điều 183) trong Bộ luật Lao động 2012, tuy nhiên các quy định này vẫn mang tính khung. Để các quy định của Bộ luật đi vào cuộc sống cần có những hành động tiếp theo để đưa ra những hướng dẫn chi tiết, đầy đủ và cụ thể, dễ áp dụng hơn đối với quan hệ lao động đặc thù này, cũng như định hướng hành động cho các bên liên quan đến việc thực thi pháp luật như chính quyền các cấp, cơ quan quản lý lao động địa phương, các tổ chức dịch vụ việc làm, người sử dụng lao động và bản thân LĐGVGĐ.

Từ năm 2011, với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Oxfam Novib và Rosa Luxemburg Stiftung, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng (GFCD) đã xây dựng và triển khai dự án “Bảo vệ quyền của LĐGVGĐ tại Việt Nam” với mục tiêu “Bảo vệ quyền của LĐGVGĐ thông qua tham vấn xây dựng chính sách và tạo điều kiện hỗ trợ cho việc thực hiện chính sách”. GFCD đã tiến hành rà soát pháp luật, chính sách liên quan đến LĐGVGĐ và thực hiện các nghiên cứu ở 05 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Nam Định, Khánh Hòa và Vĩnh Long cũng như tham khảo kinh nghiệm thực tiễn về quản lý LĐGVGĐ của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Trên cơ sở những phát hiện chính của các nghiên cứu và tham khảo báo cáo rà soát pháp luật trong nước và quốc tế, GFCD xây dựng “Báo cáo tổng quan về tình hình LĐGVGĐ tại Việt Nam từ năm 2007 đến nay”. Báo cáo là bức tranh tổng thể về thực trạng, những bất cập và xu hướng phát triển của một loại hình lao động vốn đã tồn tại từ lâu trong xã hội Việt Nam- LĐGVGĐ. Bên cạnh đó, những con số, những phân tích từ thực tế cùng những luận cứ khoa học, kinh nghiệm quốc tế sẽ là tài liệu tham vấn các cơ quan có thẩm quyền, chia sẻ với những tổ chức xã hội quan tâm đến LĐGVGĐ để vận động chính sách, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong mối quan hệ lao động, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như nâng cao vị thế, vai trò của loại hình lao động này trong xã hội.

Mục tiêu: 

- Đánh giá và phân tích thực trạng lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam từ năm 2007 đến nay;

- Đề xuất các giải pháp và biện pháp hỗ trợ, can thiệp phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi cho lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam.

Tải Báo cáo tóm tắt Tổng quan về Lao động giúp việc gia đình tại đây:

Báo cáo tiếng Việt:

BC tổng quan về LĐGVGĐ

Báo cáo tiếng Anh:

 

Thông tin này có hữu ích đối với bạn không? Có (0) Không (0)

Bình luận (0)

Loading...

Bài viết tương tự

Đối tác của chúng tôi